các yếu tố cấu thành tội phạm của “Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015

1. Về mặt chủ thể của tội phạm
Người phạm tội lừa đảo chiếm đoạt phải là người đủ 14 tuổi trở lên và khi thực hiện hành vi phạm tội không mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức và làm chủ hành vi của mình. Tuy nhiên, người phạm tội từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 174 Bộ luật Hình sự, vì khoản 1 Điều 174 là tội ít nghiêm trọng và khoản 2 Điều 174 là tội nghiêm trọng và không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 12 Bộ luật Hình sự.
2. Về mặt khách thể của tội phạm
Khách thể:quan hệ về tài sản.
Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản không xâm phạm đến quan hệ nhân thân mà chỉ xâm phạm đến quan hệ sở hữu về tài sản. Đặc điểm này được thể hiện qua việc trong cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản không quy định thiệt hại về tính mạng, sức khỏe là tình tiết định khung hình phạt. Điều này tạo nên điểm khác biệt so với quy định tại cấu thành tội phạm của các tội cướp tài sản, tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, tội cướp giật tài sản. Vì vậy, nếu sau khi đã chiếm đoạt đoạt được tài sản, người phạm tội bị đuổi bắt mà có hành vi chống trả để tẩu thoát, gây chết người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác thì tùy trường hợp cụ thể mà người phạm tội còn phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người hoặc tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác.
3. Về mặt khách quan của tội phạm
a. Hành vi khách quan
Do đặc điểm riêng biệt của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nên người phạm tội chỉ có một hành vi khách quan duy nhất là hành vi chiếm đoạt nhưng việc chiếm đoạt được thực hiện bằng thủ đoạn gian dối.
Thủ đoạn gian dối được thể hiện bằng những hành vi cụ thể nhằm đánh lừa chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản. Thủ đoạn gian dối của người phạm tội bao giờ cũng có trước khi việc giao tài sản giữa người bị hại với người phạm tội thì mới là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nếu thủ đoạn gian dối lại có sau khi người phạm tội nhận được tài sản thì không phải là lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà tùy trường hợp đó có thể là hành vi che giấu tội phạm hoặc là hành vi phạm tội khác như tội lạm dụng tín dụng chiếm đoạt tài sản. Nếu chỉ có thủ đoạn gian dối nhưng không có ý định chiếm đoạt tài sản thì không phải là lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà tùy trường hợp cụ thể, người có hành vi bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội sử dụng trái phép tài sản hoặc chỉ là quan hệ dân sự thông thường. Điều này tạo nên một đặc điểm nổi bật của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là người bị hại tự nguyện giao tài sản cho người phạm tội.
Trường hợp cũng có hành vi là thủ đoạn gian dối và hành vi chiếm đoạt tài sản nhưng vì hành vi này đã được Bộ luật Hình sự quy định thành tội phạm độc lập thì cũng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà bị truy cứu về tội phạm tương ứng khác như hành vi làm hàng giả, buôn bán hàng giả để đánh lừa người tiêu dùng quy định tại các Điều 192, Điều 193, Điều 194, Điều 195 Bộ luật Hình sự, hành vi lừa đảo chiếm đoạt chất ma túy quy định tại Điều 253 Bộ luật Hình sự.
b. Hậu quả
Hậu của của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là thiệt hại về tài sản mà cụ thể là giá trị tài sản bị chiếm đoạt. Mặc dù khoản 1 của Điều luật quy định giá trị tài sản bị chiếm đoạt từ 2,000,000 đồng trở lên mới cấu thành tội phạm, còn nếu tài sản bị chiếm đoạt dưới 2,000,000 đồng thì chỉ cấu thành tội phạm khi kèm theo điều kiện đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt mà còn vi phạm; đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản nhưng không được xóa án tích mà còn vi phạm; gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ, nhưng không vì thế mà cho rằng phải có thiệt hại về tài sản (người phạm tội chiếm đoạt được tài sản) thì mới cấu thành tội phạm. Cụ thể, đối với những trường hợp người phạm tội có ý định chiếm đoạt tài sản có giá trị lớn thì dù người phạm tội chưa chiếm đoạt được tài sản vẫn bị coi là phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhưng là phạm tội trong trường hợp phạm tội chưa đạt hoặc chuẩn bị phạm tội tùy thuộc vào trường hợp cụ thể.
-          Đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm là nếu trước đó đã bị xử lý bằng một trong các hình thức sau đây về hành vi chiếm đoạt, nhưng chưa hết thời hạn để được coi là chưa bị xử lý mà lại thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản[1]:
Đã bị xử phạt vi phạm hành chính theo đúng quy định của pháp luật xử lý vi phạm hành chính về một trong các hành vi cướp tài sản; bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản; cưỡng đoạt tài sản; công nhiên chiếm đoạt tài sản; trộm cắp tài sản; lừa đảo chiếm đoạt tài sản; lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản; tham ô tài sản; lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.
Đã bị xử lý kỷ luật theo đúng quy định của Điều lệnh, Điều lệ của lực lượng vũ trang nhân dân;
Đã bị xử lý kỷ luật theo đúng quy định của cơ quan có thẩm quyền (Ví dụ 1: Một sinh viên trộm cắp của bạn 150.000 đồng và bị phát hiện. Hội đồng kỷ luật của Nhà trường đã xét và người có thẩm quyền đã ra quyết định cảnh cáo toàn trường hoặc đuổi học. Ví dụ 2: Một cán bộ (công chức) trộm cắp tài sản của cơ quan và bị phát hiện. Hội đồng kỷ luật của cơ quan đã xét và người có thẩm quyền đã ra quyết định kỷ luật hạ một bậc lương theo quy định của Pháp lệnh cán bộ, công chức...).
-          Đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản nhưng không được xóa án tích mà còn vi phạm là trường hợp trước khi thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người phạm tội đã bị Tòa án kết án về một trong các tội có tính chất chiếm đoạt nhưng chưa được xóa án tích theo quy định tại Điều 69 Bộ luật Hình sự. Các tội có tính chất chiếm đoạt được hiểu là tội cướp tài sản; tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản; tội cưỡng đoạt tài sản; tội cướp giật tài sản; tội công nhiên chiếm đoạt tài sản; tội trộm cắp tài sản; tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; tội lạm đụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản; tội tham ô tài sản; tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản[2]. Nếu người phạm tội bị xử phạt hành chín về hành vi khác (không phải là tội chiếm đoạt) thì không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 174 Bộ luật Hình sự.
-          Về trường hợp gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ: đây được xem là một điểm mới của Bộ luật Hình sự 2015 so với Bộ luật Hình sự 1999 (sửa đổi, bổ sung 2009) và đến thời điểm hiện nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể.
c. Mối quan hệ nhân quả: hành vi nguyên nhân trực tiếp gây ra hậu quả.
4. Về mặt chủ quan của tội phạm
Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được thực hiện do lỗi cố ý.
Mục đích của người phạm tội là mong muốn chiếm đoạt được tài sản. Mục đích chiếm đoạt tài sản của người phạm tội bao giờ cũng có trước khi thực hiện thủ đoạn gian dối và hành vi chiếm đoạt tài sản. Nếu sau khi đã có tài sản một cách hợp pháp rồi mới có ý định chiếm đoạt tài sản thì không phải là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà tùy trường hợp người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội khác như tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Vì vậy, có thể nói mục đích chiếm đoạt tài sản là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Liên hệ Luật sư

Tư vấn luật về hình sự là một trong những lĩnh vực mà chúng tôi tổ chức cung cấp dịch vụ pháp lý chuyên sâu. Lĩnh vực này do nhóm Luật Sư giỏi về pháp luật hình sự phụ trách tư vấn và tham gia tranh tụng, bào chữa, bảo vệ quyền lợi. Với kinh nghiệm và hiểu biết của chúng tôi, Văn phòng luật sư Quang Thái cam kết sẽ tư vấn và thực hiện việc bào chữa, bảo vệ tốt nhất quyền lợi ích hợp pháp cho quý khách.
Luật sư hình sự: 0903888087


Bài viết xem thêm