1. Người nào trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định238 thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã được giáo dục 02 lần và đã được tạo điều kiện ổn định cuộc sống;
b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Với số lượng từ 500 cây đến dưới 3.000 cây.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Với số lượng 3.000 cây trở lên;
c) Tái phạm nguy hiểm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
4. Người nào phạm tội thuộc khoản 1 Điều này, nhưng đã tự nguyện phá bỏ, giao nộp cho cơ quan chức năng có thẩm quyền trước khi thu hoạch, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.
1. Khách thể của tội phạm
Trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy là hành vi gieo trồng, chăm bón các loại cây có chứa chất ma túy hoặc thu hoạch sản phẩm của các loại cây đó.
Tội phạm xâm phạm vào chính sách của Nhà nước ta cấm trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy.
2. Mặt khách quan của tội phạm
Mặt khách quan của tội phạm thể hiện ở hành vi trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy như chuẩn bị cây giống, làm đất, gieo trồng, bón phân, vun xới, thu hoạch sản phẩm của các loại cây có chứa chất ma túy. Địa điểm trồng có thể ở rừng, ở vườn, đồi... Việc trồng cây thuốc phiện đã thành thói quen lâu đời của số ít đồng bào dân tộc ít người ở một số vùng cao của nước ta và đã có thời kỳ là nguồn sống chính của một bộ phận nhân dân. Vì vậy, quan điểm của Nhà nước ta là lấy giáo dục làm chính và chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự khi người vi phạm đã được giáo dục nhiều lần, được tạo điều kiện để ổn định cuộc sống và đã bị xử phạt hành chính nhưng vẫn tiếp tục trồng các loại cây này.
Giáo dục 02 lần trở lên là người trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các loại khác có chứa chất ma túy đã được cơ quan nhà nước, tổ chức, người có trách nhiệm ở địa phương từ 02 lần trở lên vận động, thuyết phục, nhắc nhở về việc không được trồng các loại cây này hoặc phổ biến đường lối, chính sách, quy định của pháp luật về cấm trồng cây có chứa chất ma túy. Các biện pháp giáo dục này phải được thể hiện bằng biên bản... Chỉ coi là "đã được giáo dục 02 lần" nếu việc giáo dục được thực hiện trước khi bị xử phạt hành chính.
Được tạo điều kiện để ổn định cuộc sống là đã được hỗ trợ về tiền vốn, kỹ thuật để sản xuất, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi hoặc đã được hướng dẫn về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt cây ăn quả, cây công nghiệp, cây lương thực... để thay thế các loại cây chứa chất ma túy.
Tình tiết "đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà còn vi phạm" là trước đó đã có hành vi trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy và bị xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính, nhưng chưa hết thời hạn được coi là xử phạt vi phạm hành chính (01 năm kể từ ngày thi hành xong quyết định), mà lại tiếp tục có hành vi trồng cây có chứa chất ma túy và bị phát hiện.
Với số lượng từ 500 cây đến dưới 3.000 cây, phải được lập biên bản đếm số lượng cây tại nơi trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy.
3. Chủ thể của tội phạm
Chủ thể của tội phạm là người từ đủ 16 tuổi trở lên, có năng lực trách nhiệm hình sự.
4. Mặt chủ quan của tội phạm
Tội phạm được thực hiện do lỗi cố ý trực tiếp. Mục đích, động cơ phạm tội có thể trồng để bán, sử dụng hay chữa bệnh không có ý nghĩa trong việc định tội.
5. Hình phạt
Điều 247 BLHS năm 2015 quy định 4 khung hình phạt.
- Khung 1 quy định hình phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm áp dụng đối với trường hợp phạm tội: đã được giáo dục 02 lần và đã được tạo điều kiện ổn định cuộc sống; Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; Với số lượng từ 500 cây dưới 3.000 cây.
- Khung 2 quy định hình phạt từ 03 năm đến 07 năm áp dụng đối với một trong các trường hợp phạm tội: có tổ chức; Với số lượng 3.000 cây trở lên; Tái phạm nguy hiểm.
Có tổ chức là có từ 02 người trở lên cùng cố ý và cùng hành động trồng cây thuốc phiện hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy. Những người này có sự phân công chặt chẽ như người chuẩn bị hạt giống, người làm đất, người gieo trồng, chăm sóc... Tái phạm tội này là người phạm tội đã bị phạt tù về tội trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy, nhưng chưa được xóa án mà lại phạm tội này. Ngoài ra, người phạm tội có thể còn bị áp dụng hình phạt bổ sung: phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
- Khung 4 quy định người nào phạm tội thuộc khoản 1 Điều này, nhưng đã tự nguyện phá bỏ, giao nộp cho cơ quan chức năng có thẩm quyền trước khi thu hoạch, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự. Hình thức phá bỏ như: nhổ cả gốc, chặt, đập nát cây không có khả năng sống. Nộp sản phẩm cho các cơ quan chức năng như: chính quyền, công an thôn, xã.
6. Một số vấn đề cần lưu ý
- Người nào biết người khác gieo trồng, chăm bón hoặc thu hoạch cây có chứa chất ma túy, đã được áp dụng đầy đủ cả ba biện pháp: "giáo dục nhiều lần", "tạo điều kiện ổn định cuộc sống" và "đã bị xử phạt hành chính về hành vi này" mà vẫn giúp họ thực hiện một trong các hành vi đó, hoặc làm thuê cho họ trong việc trồng các cây có chứa chất ma túy thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự với vai trò đồng phạm về tội trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy (Điều 247).
- Trường hợp người trồng cây có chứa chất ma túy, đã được áp dụng đầy đủ các biện pháp: "giáo dục nhiều lần và tạo điều kiện ổn định cuộc sống" và "đã bị xử phạt hành chính "nhưng không chịu phá bỏ mà bán lại cho người khác thì vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy (Điều 247). Người mua lại cây có chứa chất ma túy để tiếp tục chăm sóc thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này nếu thỏa mãn các yếu tố cấu thành tội phạm.
- Hành vi trồng cây có chứa chất ma túy, loại cây nào thì phạm tội với cây trồng tương ứng, ví dụ: Tội trồng cây cần sa; Tội trồng cây côca...
- Người nào mua bán trái phép cây có chứa chất ma túy khu cây haowcj các bộ phận của cây có chứa chất ma túy là đối tượng được quy định tại Điều 247 thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán trái phép chất ma túy theo Điều 251.
Tư vấn luật về hình sự là một trong những lĩnh vực mà chúng tôi tổ chức cung cấp dịch vụ pháp lý chuyên sâu. Lĩnh vực này do nhóm Luật Sư giỏi về pháp luật hình sự phụ trách tư vấn và tham gia tranh tụng, bào chữa, bảo vệ quyền lợi. Với kinh nghiệm và hiểu biết của chúng tôi, Văn phòng luật sư Quang Thái cam kết sẽ tư vấn và thực hiện việc bào chữa, bảo vệ tốt nhất quyền lợi ích hợp pháp cho quý khách.
Luật sư hình sự: 0903888087