1. Người nào sản xuất trái phép chất ma túy dưới bất kỳ hình thức nào, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 500 gam đến dưới 01 kilôgam;
e) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 05 gam đến dưới 30 gam;
g) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 20 gam đến dưới 100 gam;
h) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 100 mililít đến dưới 200 mililít;
i) Tái phạm nguy hiểm;
k) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm đ đến điểm h khoản này.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:
a) Có tính chất chuyên nghiệp;
b) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 05 kilôgam;
c) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 30 gam đến dưới 100 gam;
d) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 100 gam đến dưới 300 gam;
đ) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 200 mililít đến dưới 750 mililít;
e) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm b đến điểm đ khoản này.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng 05 kilôgam trở lên;
b) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng 100 gam trở lên;
c) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng 300 gam trở lên;
d) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích 750 mililít trở lên;
đ) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm d khoản này.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
1. Khách thể của tội phạm
Sản xuất trái phép chất ma túy là hành vi làm ra chất ma túy từ cây có chứa chất ma túy, từ các tiền chất hoặc làm ra chất ma túy này từ chất ma túy khác mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền hoặc không đúng với nội dung đã được cơ quan có thẩm quyền cho phép.
Tội sản xuất trái phép chất ma túy xâm phạm chính sách thống nhất quản lý của Nhà nước về các chất ma túy, trực tiếp là hoạt động sản xuất chất ma túy. Chỉ một số cơ quan mới được phép sản xuất chất ma túy sử dụng trong lĩnh vực y tế, công nghiệp và nghiên cứu khoa học. Sự thống nhất quản lý của Nhà nước về chất ma túy nhằm tránh lạm dụng ma túy, đảm bảo sức khỏe cho nhân dân và ngăn chặntội phạm về ma túy. Tội phạm còn xâm phạm trật tự, an toàn xã hội.
2. Mặt khách quan của tội phạm
Mặt khách quan của tội phạm thể hiện ở các hành vi tạo ra chất ma túy bằng bất kỳ hình thức nào. Thực tế có ba phương pháp phổ biến được sử dụng để sản xuất ma túy là: thu hái và chiết xuất; điều chế; pha chế.
Thu hái và chiết xuất là việc thu hoạch các sản phẩm từ các cây trồng có chứa chất ma túy và chiết xuất thành các sản phẩm ma túy như lấy nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa, chiết xuất dầu cần sa, cao cô ca...
Điều chế là quá trình hóa học để tạo ra các chất ma túy có hàm lượng cao như quá trình điều chế nhựa thuốc phiện thành moocphin, từ moocphin thành Heroin hoặc quá trình điều chế từ các tiền chất thành các chất ma túy tổng hợp như Heroin, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA...
Pha chế là hành vi trộn lẫn các chất để tạo thành hỗn hợp ở thể rắn hay thể lỏng có chứa ma túy. Ví dụ: Sản xuất thành các viên nén, viên con nhộng, thành bánh, đóng chai lọ, ống thuốc tiêm... có chứa chất ma túy.
Những hành vi sản xuất chất ma túy phải trái phép mới phạm tội. Việc quy định như vậy để phân biệt với các hoạt động sản xuất được cấp giấy phép của Nhà nước. Trái phép có nghĩa là không có giấy phép hoặc không đúng với nội dung giấy phép, đó là việc làm bất hợp pháp. Cần lưu ý rằng nhựa thuốc phiện bao gồm: nhựa thuốc phiện lấy từ cây thuốc phiện, nhựa thuốc phiện đã được cô đặc thành dạng keo, viên thành bi... Đối với dung dịch thuốc phiện để tiêm, chích thì không được coi là ma túy ở thể lỏng mà cần xác định hàm lượng thuốc phiện trong dung dịch để tính khối lượng của thuốc phiện. Đối với xái thuốc phiện thì không coi là nhựa thuốc phiện mà cần các định hàm lượng thuốc phiện (tỷ lệ moocphin) trong xái thuốc phiện để tính khối lượng của thuốc phiện.
Không coi là sản xuất trái phép chất ma túy các hành vi giản đơn nhằm tạo thuận lợi cho việc sử dụng chất ma túy có sẵn như pha chế thuốc phiện thành udng dịch để tiêm chích, nghiền Heroin từ bánh thành bột để hít... Để xác định tên gọi, số lượng, chất lượng của chất ma túy cụ thể trong vụ án thì phải trưng cầu giám định. Luật không quy định khối lượng tối thiểu sản xuất trái phép chất ma túy, vì vậy tội phạm được coi là hoàn thành từ thời điểm sản xuất ra chất ma túy.
3. Chủ thể của tội phạm
Chủ thể của tội phạm là người từ đủ 16 tuổi trở lên (khoản 1) hoặc từ đủ 14 tuổi trở lên (khoản 2, 3, và 4) có năng lực trách nhiệm hình sự.
4. Mặt chủ quan của tội phạm
Tội phạm được thực hiện do lỗi cố ý trực tiếp.
5. Hình phạt
Điều luật quy định 4 khung hình phạt.
- Khung 1 quy định hình phạt tù từ 03 năm đến 07 năm áp dụng đối với trường hợp phạm tội cấu thành cơ bản;
- Khung 2 quy định hình phạt tù từ 07 năm đến 15 năm áp dụng đối với một trong các trường hợp phạm tội sau:
+ Có tổ chức: là từ 02 người trở lên có sự phân công trách nhiệm cụ thể từng người, liên kết chặt chẽ với nhau cùng thực hiện tội phạm.
+ Phạm tội 02 lần trở lên nhưng chưa bị truy tố, xét xử trong các lần phạm tội.
+ Lợi dụng chức vụ, quyền hạn: Là những người theo chức năng, nhiệm vụ của cơ quan được giao nhiệm vụ liên quan đến sản xuất ma túy đã tiến hành sản xuất chất ma túy không được cấp giấy phép hoặc làm ngoài quy định của giấy phép. Ví dụ, A là một kỹ sư hóa của phòng thí nghiệm chuyên xét nghiệm chất ma túy, A đã dùng các tiền chất để sản xuất trái phép chất ma túy đưa ra thị trường để bán.
+ Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức là lợi dụng cơ quan nhà nước, tổ chức nhất định có chức năng nghiên cứu, sản xuất ma túy phục vụ y học hoặc nghiên cứu khoa học để sản xuất ma túy ngoài giấy phép quy định. Ví dụ: Một công ty dược phẩm của Bộ Y tế có chức năng sản xuất thuốc tân dược như các thuốc chữa ho, chữa hen, giảm đau... Đây là những loại thuốc có chứa chất ma túy, có tính gây nghiện. Công ty này đã sản xuất ngoài kế hoạch để bán cho con nghiện...
+ Các điểm đ, e, g, h quy định về khối lượng, thể tích các chất ma túy tương ứng như trong điều luật. Các chất ma túy khác ở thể rắn, ở thể lỏng là các chất ma túy không phải là nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa, cao cocain hoặc Heroine, Cocain.
+ Tái phạm nguy hiểm là trường hợp người phạm tội trước đây đã bị kết án về tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do lỗi cố ý, chưa được xóa án tích mà lại phạm tội sản xuất trái phép chất ma túy. Hoặc trường hợp đã tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại phạm tội sản xuất trái phép chất ma túy.
+ Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm đ đến điểm h khoản 2.
- Khung 3 quy định hình phạt tù từ 15 năm đến 20 năm áp dụng đối với người phạm tội thuộc một trong các trường hợp phạm tội sau đây:
+ Có tính chất chuyên nghiệp: Là trường hợp phạm tội thỏa mãn hai điều kiện sau đây: 1) Người phạm tội đã thực hiện hành vi sản xuất trái phép chất ma túy từ 05 lần trở lên, không phân biệt đã bị xét xử hay chưa bị xét xử, nếu chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chưa được xóa án tích; 2) Người phạm tội lấy hành vi sản xuất trái phép chất ma túy làm nghề sinh sống và lấy kết quả của việc phạm tội sản xuất trái phép chất ma túy làm nguồn sống chính.
+ Các điểm b, c, d, đ, e khoản 3 Điều 248 đã quy định rõ về khối lượng, thể tích các chất ma túy.
- Khung 4 quy định hình phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình áp dụng trong các trường hợp phạm tội với khối lượng, thể tích chất ma túy quy định tại các điểm a, b, c, d, đ.
- Hình phạt bổ sung: Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
6. Một số vấn đề cần lưu ý
Nếu người nào sản xuất trái phép chất ma túy, sau đó vận chuyển đến một nơi khác để cất giữ, các hành vi này có liên quan chặt chẽ với nhau thì theo điều kiện cụ thể, có thể chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội sản xuất trái phép chất ma túy.
Tư vấn luật về hình sự là một trong những lĩnh vực mà chúng tôi tổ chức cung cấp dịch vụ pháp lý chuyên sâu. Lĩnh vực này do nhóm Luật Sư giỏi về pháp luật hình sự phụ trách tư vấn và tham gia tranh tụng, bào chữa, bảo vệ quyền lợi. Với kinh nghiệm và hiểu biết của chúng tôi, Văn phòng luật sư Quang Thái cam kết sẽ tư vấn và thực hiện việc bào chữa, bảo vệ tốt nhất quyền lợi ích hợp pháp cho quý khách.
Luật sư hình sự: 0903888087