Kiện buộc chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật

Chủ sở hữu yêu cầu Toà án, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khác buộc người có hành vi xâm phạm quyền sở hữu, quyền chiếm hữu phải chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật việc thực hiện quyền sở hữu, quyền chiếm hữu, hay còn gọi đây là kiện buộc chấm dứt hành vi.

Theo quy định của BLDS, chủ sở hữu hay người chiếm hữu hợp pháp có quyền làm đơn gửi đến Toà án hoặc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền (Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn hoặc Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thành phố thuộc tỉnh) để đề nghị các cơ quan này can thiệp.

1. Hai phương thức thực hiện yêu cầu chấm dứt hành vi:

  • Nếu chủ sở hữu hay người chiếm hữu hợp pháp gửi đơn yêu cầu Toà án nhân dân giải quyết, thì Toà án sẽ áp dụng thủ tục tố tụng dân sự (theo Bộ luật tố tụng dân sự) để giải quyết. Trong trường hợp này, theo yêu cầu của chủ sở hữu hay người chiếm hữu hợp pháp và xét thấy có đủ các điều kiện cần thiết, Toà án sẽ áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời để buộc người xâm phạm ngừng việc xây dựng nhằm đảm bảo quyền lợi cho chủ sở hữu. Sau khi có phán quyết của Toà án đã có hiệu lực pháp luật về việc buộc người vi phạm chấm dứt hành vi, nếu không tự nguyện thi hành, thì cơ quan thi hành án dân sự sẽ buộc người vi phạm phải thi hành bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án.
  • Nếu chủ sở hữu hay người chiếm hữu hợp pháp gửi đơn yêu cầu Uỷ ban nhân dân cấp có thẩm quyền giải quyết, thì Uỷ ban nhân dân sẽ áp dụng các quy định pháp luật về xử lý vi phạm hành chính để giải quyết. Theo quy định pháp luật hành chính cũng có cơ chế áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời, biện pháp xử phạt vi phạm hành chính bằng cách buộc người vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm.

2. Một số điểm chú ý:

Về hành vi:

  • Hành vi là đối tượng của việc kiện phải là hành vi trái pháp luật. Hành vi trái pháp luật ở đây được hiểu không chỉ là trái với các quy định của Bộ luật dân sự, mà còn trái với quy định của các văn bản pháp luật khác (như đất đai, xây dựng…).
  • Các hành vi này là cản trở chủ sở hữu hay người chiếm hữu hợp pháp thực hiện những quyền năng của mình trong khuôn khổ pháp luật.
  • Các tranh chấp có đối tượng là hành vi trái pháp luật như trên chủ yếu liên quan đến bất động sản, bất động sản liền kề như nhà ở, công trình xây dựng, quyền sử dụng đất, lối đi chung…

Ví dụ thường xảy ra:

Chủ sở hữu căn nhà mình đang ở. B là hàng xóm của A. Trong lúc đào móng làm nhà, do không tuân thủ quy trình, quy phạm kỹ thuật xây dựng, B đã đào móng sát tường của nhà A và đã làm tường nhà A sụt, nứt một đoạn. A đã yêu cầu B chấm dứt việc đào móng nhà để hai bên bàn bạc cách giải quyết, nhưng B vẫn tiếp tục đào móng làm nhà và hậu quả là tường nhà A tiếp tục bị sụt, nứt ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống bình thường trong gia đình.

Trong trường hợp này, A có thể yêu cầu B chấm dứt hành vi vi phạm bằng cách gửi đơn đến UBND hoặc khởi kiện ra Tòa án có thẩm quyền để xin được giải quyết yêu cầu.

Thông tin liên hệ Văn phòng luật sư Quang Thái:

Địa chỉ: 12 Mạc Đỉnh Chi, Phường Đa kao, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh

Hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn xử lý nhanh chóng các vấn đề pháp lý của quý khách!


Bài viết xem thêm