Một số điểm mới Về giao dịch dân sự theo Bộ luật dân sự 2015

- Quy định chủ thể tham gia giao dịch dân sự là người có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;

- Quy định về giải quyết giao dịch dân sự vô hiệu tương đối có tính linh hoạt hơn, tôn trọng, bảo vệ tốt hơn lợi ích của chủ thể giao dịch, nhất là bên yếu thế, ví dụ: giao dịch dân sự do người chưa đủ sáu tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện đáp ứng nhu cầu thiết yếu hàng ngày của người đó; giao dịch dân sự chỉ làm phát sinh quyền hoặc chỉ miễn trừ nghĩa vụ cho người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự với người đã xác lập, thực hiện giao dịch với họ thì không vô hiệu (khoản 2 Điều 125)...;

- Quy định giao dịch dân sự vi phạm quy định điều kiện có hiệu lực về hình thức thì vô hiệu. Tuy nhiên, trên cơ sở tôn trọng thực tế thực hiện giao dịch và ý chí đích thực của chủ thể trong giao dịch, bảo đảm sự ổn định của giao dịch dân sự, các quan hệ liên quan và hạn chế sự không thiện chí của một bên trong việc lợi dụng việc không tuân thủ quy định về hình thức để không thực hiện cam kết của mình, Điều 129 BLDS năm 2015 quy định 02 trường hợp ngoại lệ để Tòa án công nhận giao dịch dân sự không tuân thủ quy định về hình thức khi có yêu cầu của một bên hoặc các bên :

  • Giao dịch dân sự đã được xác lập theo quy định phải bằng văn bản nhưng văn bản không đúng quy định của luật mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch;
  • Giao dịch dân sự đã được xác lập bằng văn bản nhưng vi phạm quy định bắt buộc về công chứng, chứng thực mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch. Trong trường hợp này, các bên không phải thực hiện việc công chứng, chứng thực.

- Quy định trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng tài sản đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, sau đó được chuyển giao bằng một giao dịch dân sự khác cho người thứ ba ngay tình và người này căn cứ vào việc đăng ký đó mà xác lập, thực hiện giao dịch thì giao dịch với người thứ ba không bị vô hiệu. Trường hợp tài sản phải đăng ký mà chưa được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì giao dịch dân sự với người thứ ba bị vô hiệu, trừ trường hợp người thứ ba ngay tình nhận được tài sản này thông qua bán đấu giá tại tổ chức có thẩm quyền hoặc giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó chủ thể này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị huỷ, sửa (Điều 133);

- Quy định cụ thể hơn về thời hiệu tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu và hậu quả pháp lý của việc hết thời hiệu này. Trong đó, thời điểm tính thời hiệu đối với giao dịch vô hiệu tương đối (các điều 125, 126, 127, 128) và giao dịch vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức (Điều 129) được quy định linh hoạt theo tính chất của từng loại giao dịch và hết thời hiệu tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu tương đối mà không có yêu cầu tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu thì giao dịch dân sự có hiệu lực; cụ thể là:

  • Thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu quy định tại các điều 125, 126, 127, 128 và 129 của Bộ luật dân sự là 02 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết giao dịch được xác lập;
  • Đối với giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội (Điều 123) và giao dịch dân sự vô hiệu do giả tạo (Điêu 124) thì thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu không bị hạn chế.

Bài viết xem thêm