Một số điểm mới Về Quy định thời hiệu theo Bộ luật dân sự 2015

Kế thừa BLDS năm 2005,  BLDS năm 2015 tiếp tục quy định 4 loại thời hiệu, gồm: thời hiệu hưởng quyền dân sự, thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự, thời hiệu khởi kiện và thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự, nhưng có bổ sung quy định cụ thể về thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự, cụ thể như sau:

- Thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện (khoản 3 Điều 150).

  • Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự được tính từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác (khoản 1 Điều 154).
  • Thời hiệu khởi kiện không áp dụng trong các trường hợp sau đây: (1) Yêu cầu bảo vệ quyền nhân thân không gắn với tài sản; (2). Yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác; (3). Tranh chấp về quyền sử dụng đất theo quy định của Luật đất đai; (4). Trường hợp khác do luật định (Điều 155).

- Thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự là thời hạn mà chủ thể được quyền yêu cầu Tòa án giải quyết việc dân sự để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân, lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền yêu cầu (khoản 4 Điều 150). Thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự được tính từ ngày phát sinh quyền yêu cầu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác (khoản 2 Điều 154).

Để tất cả các quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân được Hiến pháp và pháp luật công nhận đều được tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm kịp thời, nâng cao trách nhiệm của Tòa án, các cơ quan có thẩm quyền khác trong tôn trọng, bảo vệ quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân, sự ổn định của các quan hệ dân sự  và để phù hợp hơn với bản chất pháp lý của thời hiệu, BLDS năm 2015 quy định về thời hiệu theo nguyên tắc: cá nhân, pháp nhân phải yêu cầu tòa án, trọng tài giải quyết vụ, việc dân sự trong thời hạn luật định, hết thời hạn đó mà cá nhân, pháp nhân mới có yêu cầu thì thay vì từ chối giải quyết yêu cầu của cá nhân, pháp nhân như quy định hiện hành, tòa án hoặc trọng tài vẫn thụ lý, giải quyết và tuyên bố chủ thể được hưởng quyền dân sự hoặc được miễn trừ nghĩa vụ dân sự.

Một trong những nội dung đổi mới cơ bản của BLDS năm 2015 về thời hiệu là quy định “Tòa án chỉ áp dụng quy định về thời hiệu theo yêu cầu áp dụng thời hiệu của một bên hoặc các bên với điều kiện yêu cầu này phải được đưa ra trước khi Tòa sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ, việc. Người được hưởng lợi từ việc áp dụng thời hiệu có quyền từ chối áp dụng thời hiệu, trừ trường hợp việc từ chối đó nhằm mục đích trốn tránh thực hiện nghĩa vụ” (khoản 2 Điều 149). Theo quy định này, khi thụ lý vụ việc, Tòa án có trách nhiệm giải thích cho các bên về quyền, nghĩa vụ của mình, bao gồm cả quyền về áp dụng thời hiệu. Nếu ít nhất một bên yêu cầu Tòa án đình chỉ giải quyết do đã hết thời hiệu thì Tòa án có trách nhiệm áp dụng quy định về thời hiệu. Trường hợp các bên vẫn yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp để bảo vệ quyền, lợi ích của mình thì Tòa án vẫn thụ lý giải quyết theo tinh thần bảo vệ tối đa quyền, lợi ích hợp pháp của các đương sự.

- Bổ sung quy định rõ thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự là khoảng thời gian xảy ra một trong các sự kiện sau đây (Điều 156):

  • Sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan làm cho chủ thể có quyền khởi kiện, quyền yêu cầu không thể khởi kiện, yêu cầu trong phạm vi thời hiệu;
  • Chưa có người đại diện trong trường hợp người có quyền khởi kiện, người có quyền yêu cầu chưa thành niên, mất năng lực hành vi dân sự, khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự;
  • Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự chưa có người đại diện khác thay thế.

Bài viết xem thêm