Phân biệt “Phạm tội 02 lần trở lên” với “Tái phạm” và “Tái phạm nguy hiểm”

Phạm tội nhiều lần và tái phạm, tái phạm nguy hiểm là căn cứ nhằm xác định trách nhiệm của họ đối với hành vi của mình dây ra, chủ yếu thường được đưa vào xem xét như những tình tiết tăng nặng. Khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự 2015 có liệt kê hành vi phạm tội 02 lần trở lên và tái phạm, tái phạm nguy hiểm là các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Theo đó, trách nhiệm hình sự của người phạm tội ngoài căn cứ vào các yếu tố cấu thành tội phạm (khách thể, chủ thể, mặt khách quan, mặt chủ quan) sẽ xem xét thêm các dấu hiệu ngoài hình phạt định khung tương ứng với loại tội phạm để đưa vào tăng thêm hoặc giảm nhẹ hình phạt.
1. Phạm tội 02 lần trở lên
Bộ luật Hình sự 2015 không có quy định tình tiết “Phạm tội nhiều lần” mà chỉ quy định “Phạm tội 02 lần trở lên” và được xác định là một trong những tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 52.1g BLHS 2015. Phạm tội 02 lần trở lên là một trong những tình tiết định khung tăng nặng được quy định tại nhiều điều luật trong Bộ luật Hình sự 2015, tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, chưa có một định nghĩa chung mà chỉ có đưa ra khái niệm phạm tội nhiều lần đối với một tội danh cụ thể nào đó. Trong thực tiễn hiện nay, trong quá trình khởi tố điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự, này sinh những vướng mắc và nhận thức khác nhau, thậm chí là xung đột giữa các cơ quan tiến hành tố tụng về việc áp dụng tình tiết phạm tội 02 lần trở lên.
Việc áp dụng tình tiết “Phạm tội nhiều lần” hay “Phạm tội từ 02 lần trở lên” vào từng trường hợp cụ thể, không phải đều giống nhau và tùy theo các tội phạm cụ thể nên nội dung, ý nghĩa của tình tiết này có thể khác nhau: Thông tư liên tịch số 01/1998/TTLT-TANDTC-VKSNDTV-BNV, Nghị quyết 02/2003/NQ-HĐTP TANDTC; Mục 4 Nghị quyết 01/2006/NQ-HĐTP, Thông tư liên tịch 17/2007/TTLT-BCA-TANDTC-VKSNDTC-BTP. Có thể ví dụ như:
Phạm tội nhiều lần[1] trong các tội phạm về ma túy được hiểu là đã có từ hai lần phạm tội trở lên (hai lần sản xuất trái phép chất ma túy trở lên, hai lần tàng trữ chất ma túy trở lên, hai lần bán trái phép chất ma túy trở lên…), mà mỗi lần đều có đủ yếu tố cấu thành tội phạm quy định tại khoản 1 của điều luật tương ứng, đồng thời trong số các lần phạm tội đó chưa lần nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.
Phạm tội nhiều lần nay là phạm tội 02 lần trở lên có các đặc điểm sau:
-       Người phạm tội đã thực hiện từ hai hành vi phạm tổi trở lên, tác động đến cùng một đối tượng hoặc nhiều đối tượng khác nhau;
-       Nếu tách từng hành vi phạm tội riêng rẽ thì mỗi hành vi ấy đều đã đủ các yếu tố cấu thành một tội phạm độc lập;
-       Tất cả các hành vi phạm tội đó đều được quy định tại một điều luật cụ thể trong phần riêng của BLHS, có thể cùng một khoản hoặc ở các khoản khác nhau của cùng một điều luật.
-       Các hành vi phạm tội đó chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, chưa bị các cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật, như đình chir điều tra, đình chỉ vụ án, v.v. và cùng bị đưa ra xét xử một lần trong cùng một vụ án;
-       Nếu điều luật có quy định về giá trị tài sản hoặc thiệt hại về tài sản thì người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự về tổng giá trị tài sản của các lần phạm tội cộng lại.
2. Tái phạm
Tái phạm[2] là trường hợp đã bị kết án, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý hoặc thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do vô ý.
Tái phạm có các đặc điểm sau:
-          Đã bị kết án: được xem là đã bị kết án khi người phạm tội đã bị tuyên một bản án có hiệu lực pháp luật của tòa án. Điều đó có nghĩa là người bị Tòa án xử phạt với bất cứ hình phạt chính nào (cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ…).
-           Chưa được xóa án tích: việc xóa án tích được xác định theo quy định tại Điều 69, Điều 70, Điều 71 Bộ luật Hình sự 2015, theo đó, tình tiết “chưa được xóa án tích” được xác định như sau: người bị kết án đương nhiên được xóa án tích, nếu từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách án treo, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án, thực hiện hành vi phạm tội trong thời hạn sau:
01 năm trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, phạt từ nhưng được hưởng án treo;
02 năm trong trường bị phạt tù đến 05 năm;
03 năm trong trường hợp bị phạt từ từ 05 đến 15 năm.
Trong trường hợp người bị kết án đang chấp hành hình phạt bổ sung là cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, tước một số quyền công dân mà thời hạn phải chấp hành dài hơn thời hạn quy định trên thì thời hạn đương nhiên được xóa án tích sẽ hết vào thời điểm người đó chấp hành xong hình phạt bổ sung.
-          Thực hiện hành vi phạm tội do cố ý hoặc thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do vô ý. Trường hợp người phạm tội thực hiện tội mới là tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trong thì được xác định là hành vi tái phạm khi tội mới này thực hiện với lỗi cố ý, nếu thực hiện với lỗi vô ý thì không coi là tái phạm. Trường hợp người phạm tội thực hiện tội mới là tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng thì không phân biệt người phạm tội do lỗi cố ý hay vô ý, người thực hiện hành vi này đều được xác định là tái phạm.
Như vậy, khi có đủ các căn cứ trên thì người phạm tội mới có thể bị xác định là hành vi tái phạm. Ngoài ra, khi xác định hành vi tái phạm, cần chú ý những đặc điểm sau:
-          Việc tái phạm chỉ được đặt ra khi hành vi phạm tội mới của họ đáp ứng dấu hiệu cấu thành tội phạm độc lập, nếu không đáp ứng đủ cấu thành tội phạm của tội mới thì hành vi của người này không bị coi là phạm tội nên không đặt ra là hành vi tái phạm.
-          Tình tiết tái phạm được quy định trong Bộ luật hình sự vừa là tình tiết định tội vừa là tình tiết tăng nặng hình phạt. Khi đó, nếu tình tiết tái phạm đã là yếu tố trong cấu thành tội phạm thì không bị coi tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự nữa.
3. Tái phạm nguy hiểm
Những trường hợp sau đây được coi là tái phạm nguy hiểm[3]:
-          Đã bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý.
-          Đã tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý.
Theo đó, người nào đã bị kết án 2 lần về tội phạm độc lập do Bộ luật Hình sự quy định, trong lần kết án thứ 2 trước đó, người này đã bị áp dụng tình tiết tái phạm mà hành vi phạm tội này chưa được xóa án tích nay lại phạm tội mới do lỗi cố ý khi đó, không phân biệt tội mới mà người này thực hiện là loại tội nào, hành vi mới của họ sẽ bị coi là tái phạm nguy hiểm.
Theo đó, mặc dù có thể căn cứ vào tính chất đã kết án hoặc chưa để phân biệt đâu là tái phạm đâu là phạm tội nhiều lần, tuy nhiên còn phải căn cứ thêm vào nhiều trường hợp pháp luật quy định khác. Cụ thể như khoản 7 Điều 91 Bộ luật Hình sự 2015 quy định rằng án đã tuyên đối với người chưa đủ 16 tuổi thì sẽ không được xem như là đã kết án để xác định hành vi phạm tội tiếp theo của họ xem xét như là tái phạm. Cho nên để có thể đảm bỏa việc xác định đúng hành vi của người phạm tội là gì, cần xem xét đủ các yếu tố về khách thể, chủ thể để áp dụng đúng quy định giành riêng cho từng đối tượng.
Liên hệ Luật sư
Tư vấn luật về hình sự là một trong những lĩnh vực mà chúng tôi tổ chức cung cấp dịch vụ pháp lý chuyên sâu. Lĩnh vực này do nhóm Luật Sư giỏi về pháp luật hình sự phụ trách tư vấn và tham gia tranh tụng, bào chữa, bảo vệ quyền lợi. Với kinh nghiệm và hiểu biết của chúng tôi, Văn phòng luật sư Quang Thái cam kết sẽ tư vấn và thực hiện việc bào chữa, bảo vệ tốt nhất quyền lợi ích hợp pháp cho quý khách.
Luật sư hình sự: 0903888087


Bài viết xem thêm