PHÂN BIỆT TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG DÂN SỰ (KHOẢN 3 ĐIỀU 25) VỚI TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG THƯƠNG MẠI (KHOẢN 1 ĐIỀU 29 BLTTDS)

Tuy tranh chấp hợp đồng dân sự và tranh chấp hợp đồng thương mại đều là các tranh chấp về sự thỏa thuận của các bên; trình tự, thủ tục tố tụng như nhau (theo quy định Bộ luật tố tụng dân sự). Tuy nhiên, giải quyết tranh chấp hợp đồng dân sự căn cứ theo quy định của Bộ luật dân sự và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan đến dân sự; còn giải quyết các tranh chấp hợp đồng thương mại là theo quy định của Luật thương mại và các văn bản quy phạm pháp luật khác về thương mại (trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 4 Luật thương mại năm 2005).

Ví vụ: Đối với trách nhiệm chậm thực hiện nghĩa vụ hợp đồng

Điều 305. Trách nhiệm dân sự do chậm thực hiện nghĩa vụ dân sự (BLDS 2005)

1. ...

2. Trong trường hợp bên có nghĩa vụ chậm trả tiền thì bên đó phải trả lãi đối với số tiền chậm trả theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời gian chậm trả tại thời điểm thanh toán, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

Điều 306. Quyền yêu cầu tiền lãi do chậm thanh toán (Luật thương mại 2005)

Trường hợp bên vi phạm hợp đồng chậm thanh toán tiền hàng hay chậm thanh toán thù lao dịch vụ và các chi phí hợp lý khác thì bên bị vi phạm hợp đồng có quyền yêu cầu trả tiền lãi trên số tiền chậm trả đó theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

Vì vậy, để giải quyết đúng các tranh chấp hợp đồng, giải quyết vụ án phải phân biệt rõ tranh chấp đó là tranh chấp hợp đồng dân sự hay tranh chấp hợp đồng thương mại.

1. Những điểm giống nhau giữa hợp đồng dân sự và hợp đồng thương mại

  • Hợp đồng dân sự và hợp đồng thương mại đều là sự thoả thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ nhất định.
  • Hình thức hợp đồng: có thể được giao kết bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể; trong trường hợp pháp luật có quy định hợp đồng phải được thể hiện bằng văn bản thì phải tuân theo quy định đó.

2. Những điểm khác nhau

2.1. Chủ thể tham gia ký kết hợp đồng

Nói chung chủ thể trong hợp đồng là phải nhiều người (từ 2 người trở lên); tư cách chủ thể phải có năng lực pháp luật và năng lực hành vi dân sự, có nghĩa chủ thể khi tham gia giao kết hợp đồng là phải đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật về năng lực pháp luật và năng lực hành vi dân sự của chủ thể đó. Tuy nhiên, chủ thể của hợp đồng dân sự và hợp đồng thương mại có những điểm khác nhau như:

  • Chủ thể tham gia giao kết hợp đồng dân sự là bất kỳ ai.
  • Chủ thể tham gia ký kết hợp đồng thương mại đều là những: cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh.

Theo Điều 6 Nghị quyết 03/2012/NQ-HĐTP hướng dẫn chủ thể cá nhân, tổ chức có đăg ký kinh doanh quy định tại khoản 1 điều 29 BLTTDS là:

+ Cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác (theo Nghị định và các văn bản quy phạm pháp luật khác của Chính phủ về đăng ký kinh doanh);

+ Doanh nghiệp (theo Luật Doanh nghiệp và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp);

+ Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam nheo Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam);

+ Doanh nghiệp nhà nước;

+ Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã (theo Luật Hợp tác xã và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dân thi hành Luật Hợp tác xã);

+ Cá nhân, tổ chức khác theo quy định của pháp luật về đăng ký kinh doanh.

1.2. Mục đích của hợp đồng

  • Mục đích của hợp đồng dân sự là để xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự để đáp ứng, thỏa mãn nhu cầu trong sinh hoạt, tiêu dùng...
  • Mục đích của hợp đồng kinh doanh thương mại là sinh lợi.

Theo hướng dẫn tại điều 6 Nghị quyết số 03/2012/HĐTP, mục đích sinh lợi (mục đích lợi nhuận) của cá nhân, tổ chức trong hoạt động kinh doanh, thương mại là mong muốn của cá nhân, tổ chức đó thu được lợi nhuận mà không phân biệt có thu được hay không thu được lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh, thương mại đó.

Hoạt động kinh doanh, thương mại là việc thực hiện một hoặc nhiều hành vi thương mại. Hoạt động kinh doanh, thương mại không chỉ là hoạt động trực tiếp theo đăng ký kinh doanh, thương mại mà còn bao gồm cả các hoạt động khác phục vụ thúc đẩy, nâng cao hiệu quả hoạt động, kinh doanh thương mại.

Ví dụ: Công ty trách nhiệm hữu hạn A được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh trong lĩnh vực may mặc. Hoạt động của Công ty A không chỉ giới hạn ở việc may sản phẩm là hàng dệt may để phục vụ thị trường mà còn bao gồm cả hành vi mua nguyên vật liệu về để sản xuất, xây dựng nhà xưởng, mua sắm trang thiết bị, thuê xe ô tô để đưa công nhân đi làm, đi nghỉ hàng năm theo chế độ hoặc mua một số ti vi để cho công nhân giải trí sau giờ làm việc . . .

Như vậy, sự khác nhau giữa hợp đồng dân sự và hợp đồng kinh doanh thương mại là chủ thể tham gia và mục đích của hợp đồng.


Bài viết xem thêm