Quy định về Tội gian lận bảo hiểm y tế theo pháp luật hình sự

I. Quy định về Tội gian lận bảo hiểm y tế

Điều 215. Tội gian lận bảo hiểm y tế (BLHS 2015)

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, chiếm đoạt tiền bảo hiểm y tế từ 10.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại từ 20.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng mà không thuộc trường hợp quy định tại một trong các điều 174, 353 và 355 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

a) Lập hồ sơ bệnh án, kê đơn thuốc khống hoặc kê tăng số lượng hoặc thêm loại thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật, chi phí giường bệnh và các chi phí khác mà thực tế người bệnh không sử dụng;

b) Giả mạo hồ sơ, thẻ bảo hiểm y tế hoặc sử dụng thẻ bảo hiểm y tế được cấp khống, thẻ bảo hiểm y tế giả, thẻ đã bị thu hồi, thẻ bị sửa chữa, thẻ bảo hiểm y tế của người khác trong khám chữa bệnh hưởng chế độ bảo hiểm y tế trái quy định.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Chiếm đoạt tiền bảo hiểm y tế từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

d) Gây thiệt hại từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

đ) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;

e) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Chiếm đoạt tiền bảo hiểm y tế 500.000.000 đồng trở lên;

b) Gây thiệt hại 500.000.000 đồng trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

II. Một số điểm chú ý:

Cùng với việc bổ sung tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, BLHS năm 2015 đã bổ sung tội gian lận bảo hiểm y tế.

  • Về chủ thể của tội phạm: chủ thể thực hiện hành vi phạm tội quy định tại Điều này là cá nhân phạm tội.Cá nhân bao gồm 2 loại đối tượng: (i) những khách hàng tham gia bảo hiểm y tế và (ii) những người  đang làm việc trong các bệnh viện, cơ sở y tế, cơ quan bảo hiểm.
  • Về mặt chủ quan của tội phạm: tội phạm này được thực hiện với lỗi cố ý, bởi hành vi phạm tội được mô tả qua những hành vi như Lập hồ sơ bệnh án, kê đơn thuốc khống hoặc kê tăng số lượng hoặc thêm loại thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật, …, Giả mạo hồ sơ, thẻ bảo hiểm y tế hoặc sử dụng thẻ bảo hiểm y tế được cấp khống, thẻ bảo hiểm y tế giả, thẻ đã bị thu hồi, thẻ bị sửa chữa…”.
  • Về khách thể của tội phạm: khách thể cần được bảo vệ của tội phạm này có thể chia thành khách thể trực tiếp và khách thể gián tiếp. Khách thể trực tiếp chính là quyền và lợi ích của người bệnh tham gia bảo hiểm, người người lao động, người dân. Khách thể gián tiếp là sự ổn định, an toàn của chính sách phúc lợi, an sinh xã hội, là sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
  • Về mặt khách quan của tội phạm: mặt khách quan của tội phạm này được thể hiện qua 2 loại hành vi, đó là: (i) Lập hồ sơ bệnh án, kê đơn thuốc khống hoặc kê tăng số lượng hoặc thêm loại thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật, chi phí giường bệnh và các chi phí khác mà thực tế người bệnh không sử dụng; (ii) Giả mạo hồ sơ, thẻ bảo hiểm y tế hoặc sử dụng thẻ bảo hiểm y tế được cấp khống, thẻ bảo hiểm y tế giả, thẻ đã bị thu hồi, thẻ bị sửa chữa, thẻ bảo hiểm y tế của người khác trong khám chữa bệnh hưởng chế độ bảo hiểm y tế trái quy định.
  • Về cấu thành cơ bản của tội phạm: Theo quy định của Điều luật này thì người nào thực hiện một trong 02 loại hành vi nêu trên và đồng thời chiếm đoạt tiền bảo hiểm y tế từ 10.000.000 đồng trở lên; thực hiện một trong 02 loại hành vi nêu trên mà chưa chiếm đoạt được tiền bảo hiểm hoặc chiếm đoạt được số tiền bảo hiểm là dưới 10.000.000 đồng nhưng hành vi của người đó đã gây thiệt hại từ 20.000.000 đồng trở lên nếu không thuộc một trong các trường hợp (1) lừa đảo chiếm đoạt tài sản; (2) tham ô tài sản; (3) lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.
  • Chế tài hình sự: Hình phạt mà Điều luật này quy định đối với người phạm tội gồm 03 loại hình phạt (i) phạt tiền; (ii) phạt cải tạo không giam giữ và (iii) phạt tù có thời hạn. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền hoặc cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định.

Lưu ý:

- Trong thực tiễn, khi hành vi của một người xâm phạm đến hoạt động đúng đắn trong hoạt động của cơ quan bảo hiểm y tế, chiếm đoạt tiền bảo hiểm y tế, loại trừ trường hợp phạm vào các tội quy định tại các điều 174, 353, 355 và có đủ căn cứ khác theo quy định của pháp luật để truy cứu TNHS thì xử lý về tội này.

Liên hệ Luật sư

Tư vấn luật về hình sự là một trong những lĩnh vực mà chúng tôi tổ chức cung cấp dịch vụ pháp lý chuyên sâu. Lĩnh vực này do nhóm Luật Sư giỏi về pháp luật hình sự phụ trách tư vấn và tham gia tranh tụng, bào chữa, bảo vệ quyền lợi. Với kinh nghiệm và hiểu biết của chúng tôi, Văn phòng luật sư Quang Thái cam kết sẽ tư vấn và thực hiện việc bào chữa, bảo vệ tốt nhất quyền lợi ích hợp pháp cho quý khách.
Luật sư hình sự: 0903888087


Bài viết xem thêm