Tranh chấp về bồi thường thiệt hại do tài sản bị xâm phạm

Theo quy định của Bộ luật dân sự, quyền sở hữu tài sản của các nhân, pháp nhân và các chủ thể khác được pháp luật công nhận và bảo vệ. Chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp có quyền yêu cầu người có hành vi xâm phạm quyền sở hữu, quyền chiếm hữu của mình bồi thường thiệt hại.

Hành vi gây thiệt hại tài sản của chủ sở hữu, của người chiếm hữu hợp pháp phải bồi thường là những hành vi trái pháp luật như: hành vi chiếm đoạt tài sản, hủy hoại tài sản, vô ý làm hư hỏng tài sản, chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ không tuân thủ quy định bảo quản, trông giữ, vận chuyển, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng quy định của pháp luật nên gây thiệt hại tài sản cho người khác...

Tài sản bị xâm phạm thì thiệt hại được bồi thường bao gồm:

1. Thiệt hại tài sản bị mất:

Tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản. Đối với tài sản là vật nếu đã mất thì việc xác định thiệt hại là căn cứ vào giá thị trường của tài sản cùng loại hoặc tài sản cùng tính năng, tiêu chuẩn kỹ thuật và mức độ hao mòn của tài sản bị mất tại thời điểm giải quyết bồi thường; giá trị tài sản bị mất có thể do các bên thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì tiến hành định giá. Đối với tài sản là tiền, giấy tờ có giá, quyền tài sản thì xác định thiệt hại căn cứ số tiền bị mất, số tiền ghi trong giấy tờ có giá bị mất, giá trị quyền tài sản bị mất...

2. Thiệt hại tài sản bị huỷ hoại hoặc bị hư hỏng:

- Đối với tài sản bị hủy, việc xác định thiệt hại như tài sản bị mất.

- Đối với tài sản bị hư hỏng, xác định thiệt hại là giá trị phần tài sản bị hỏng theo giá thị trường tại thời điểm giải quyết.

3. Thiệt hại lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản:

Là hoa lợi, lợi tức có thật mà chủ sở hữu hoặc người chiếm hữu hợp pháp đang khai thác trước khi tài sản bị thiệt hại, nếu tài sản đó không bị mất hoặc hư hỏng thì chủ sở hữu sẽ thu được. Thiệt hại là số tiền, hoặc lợi ích khác được tính bằng tiền sẽ thu được trong khoảng thời gian từ khi tải sản bị thiệt hại đến khi dược khắc phục hoặc giải quyết bồi thường thiệt hại.

Ví dụ: Anh A có chiếc xe ô tô cho thuê mỗi tháng thu được 10 triệu đồng, B đã vô ý làm chiếc xe cháy bị hư hỏng nặng cho nên A phải sửa chữa 2 tháng mới cho thuê lại được. Như vậy, thiệt hại lợi ý của A đố với tài sản do B gây thiệt hại là 20.000.000 đồng.

4. Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại:

Là những chi phi thực tế, cần thiết mà chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp đã chi cho việc ngăn chặn, hạn chế hoặc khắc phục thiệt hại tài sản.

Ví dụ: A đã có hành vi bất cẩn làm cháy nhà của B, B phải chữa cháy để dập tắt lửa, thì chi phí chữa cháy là chi phí để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại.


Bài viết xem thêm