I. Pháp luật sở hữu trí tuệ
Luật sở hữu trí tuệ Việt Nam quy định về quyền tác giả, quyền liên quan đến tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và việc bảo hộ các quyền đó.
Quyền sở hữu trí tuệ: quyền của tổ chức, cá nhân đối với tài sản trí tuệ. Bao gồm, quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng
Quyền tác giả: quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu.
Quyền liên quan đến quyền tác giả: Quyền của tổ chức, cá nhân đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát song, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa.
Quyền sở hữu công nghiệp: Quyền của tổ chức, cá nhân đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh.
Quyền đối với giống cây trồng: Quyền của tổ chức, cá nhân đối với giống cây trồng mới do mình chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển hoặc được hưởng quyền sở hữu.
Tên thương mại: Tên gọi của tổ chức, cá nhân dùng trong hoạt động kinh doanh để phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên gọi đó với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực và khu vực.
Một số văn bản pháp luật quan trọng:
- Luật sở hữu trí tuệ số 50/2005/QH11 ngày 29/11/2005;
- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều luật Sở hữu trí tuệ số 36/2009/QH12 ngày 19/06/2009;
- Nghị định 100/2006/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật dân sự, luật sở hữu trí tuệ về quyền tác giả và quyền liên quan ngày 21/9/2006;
- Nghị định 103/2006/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp ngày 22/09/2006;
- Và một số điều ước quốc tế về sở hữu trí tuệ.
II. Một số điểm chú ý về pháp luật sở hữu trí tuệ
1. Về đăng ký xác lập quyền
Đối với bản quyền tác giả thì đa số các nước quy định không cần đăng ký vẫn được bảo hộ. Tuy nhiên, nên đăng ký bản quyền để làm cơ sở chứng minh nếu có tranh chấp xảy ra.
Không nên bộc lộ thông tin đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp để tránh mất đi tính mới của sáng chế, kiểu dáng công nghiệp có thể làm cho chủ sở hữu mất đi quyền đăng ký bảo hộ sáng chế, kiểu dáng công nghiệp.
Trước khi xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài nên tìm hiểu thông tin sản phẩm/dịch vụ tại nước dự định xuất khẩu xem hàng hóa đã được đăng ký bảo hộ hay chưa để tránh tình trạng vi phạm sở hữu trí tuệ ở nước ngoài.
Nên đăng ký bảo hộ quốc tế đối với những sản phẩm/dịch vụ dự định xuất khẩu ra nước ngoài và đăng ký hưởng quyền ưu tiên kể từ ngày nộp đơn trong nước (01 năm đối với sáng chế, 06 tháng đối với nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp).
Hiện nay, Việt Nam cũng đã gia nhập nhiều Điều ước quốc tế về đăng ký sở hữu trí tuệ thì nên thực hiện đăng ký bảo hộ thông qua hệ thống quốc tế để giảm bớt được thời gian và chi phí thay vì đăng ký trực tiếp từng nước.
Pháp luật về sở hữu trí tuệ bảo đảm nguyên tắc đối xử tối huệ quốc giữa các chủ thể nước ngoài và bảo đảm nguyên tắc đối xử quốc gia giữa chủ thể nước ngoài với chủ thể Việt Nam. Theo đó, cá nhân, pháp nhân nước ngoài được hưởng mọi quyền và chịu mọi nghĩa vụ như đối với chủ thể Việt Nam. Ngoại lệ duy nhất về NT (yêu cầu người nước ngoài không thường trú tại Việt Nam phải nộp đơn đăng ký sở hữu công nghiệp thông qua tổ chức dịch vụ đại diện về sở hữu công nghiệp) là ngoại lệ được TRIPS cho phép.
2. Quy định về bảo hộ, thực thi quyền sở hữu trí tuệ
Luật Sở hữu trí tuệ quy định tổng quan các biện pháp xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Bao gồm, các biện pháp dân sự, hành chính hoặc hình sự, và các biện pháp khác (biện pháp khẩn cấp tạm thời, biện pháp kiểm soát hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến sở hữu trí tuệ, biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử phạt hành chính) trong trường hợp cần thiết.
Luật Sở hữu trí tuệ coi quyền tự bảo vệ của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ là quyền quan trọng. Xuất phát từ góc độ quyền sở hữu trí tuệ là quyền có tính đặc thù. Để quyền này được được pháp luật bảo hộ, đòi hỏi chủ thể quyền cần phải chủ động, tự mình tiến hành các biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền lợi của chính mình. Vì vậy, nhằm tăng cường hiệu quả bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, Luật Sở hữu trí tuệ nhấn mạnh trách nhiệm của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ trong việc tự bảo vệ quyền của mình bằng các biện pháp thích hợp, không thụ động trông chờ vào sự hỗ trợ của các cơ quan thực thi.
Luật Sở hữu trí tuệ có quy định rõ phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (Toà án, Thanh tra, Quản lý thị trường, Hải quan, Công an, Uỷ ban nhân dân các cấp).
Luật Sở hữu trí tuệ đã quy định về hoạt động giám định về sở hữu trí tuệ, tạo cơ sở cho việc triển khai hoạt động này nhằm hỗ trợ cho công tác bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ được thực hiện có hiệu quả.
III. Luật sư tư vấn Luật sở hữu trí tuệ
Lĩnh vực tư vấn pháp luật SỞ HỮU TRÍ TUỆ là một trong những lĩnh vực mà chúng tôi tổ chức cung cấp dịch vụ pháp lý chuyên sâu. Lĩnh vực này do nhóm Luật Sư Về Sở Hữu Trí Tuệ phụ trách tư vấn luật và giải quyết tranh chấp. Với kinh nghiệm và hiểu biết của chúng tôi, Văn phòng luật sư Quang Thái cam kết sẽ tư vấn và đưa ra giải pháp hiệu quả nhất cho Quý khách.
- Tư vấn, hỗ trợ đăng ký sở hữu trí tuệ trong nước và quốc tế.
- Tư vấn, hỗ trợ soạn thảo hợp đồng chuyển nhượng quyền Sở hữu trí tuệ trong nước và quốc tế.
- Tư vấn, hỗ trợ các giải pháp tự bảo vệ, giảm thiểu thiệt hại kinh tế, thu thập chứng cứ khi có dấu hiệu vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.
- Tư vấn, hỗ trợ xử lý hành chính về hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.
- Tư vấn, hỗ trợ thủ tục khởi kiện tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Liên hệ Luật sư sở hữu trí tuệ: 0912 12 68 12 - 0903 88 80 87
hoặc gửi yêu cầu qua email: tuvan@luatsuquangthai.vn