CĂN CỨ ĐỂ TÒA ÁN BÁC ĐƠN XIN LY HÔN

BÌNH LUẬN VỀ CĂN CỨ ĐỂ TÒA ÁN BÁC ĐƠN XIN LY HÔN

Lời nói đầu

Theo thống kê của TANDTC, hiện nay án hôn nhân gia đình là nhiều nhất và tăng cao nhất trong suốt thời gian qua mà trong đó chủ yếu là ly hôn đơn phương. Có những đương sự ra tòa xin ly hôn với những lý do hết sức nhỏ nhặt mà người trong cuộc lấy đó làm nguyên nhân để chấm dứt quan hệ gia đình. Nhìn vào đó ta có thể thấy yếu tố gia đình hiện nay bị xem nhẹ đến đâu, bởi lẽ hôn nhân-gia đình là bến đỗ và là công cụ bảo vệ và nuôi dưỡng con người từ khi còn nhỏ đến lúc trưởng thành, bảo vệ hôn nhân gia đình chính là góp phần làm phát triển xã hội. Nếu chỉ vì những lý do nhỏ nhặt mà dẫn đến việc ly hôn thì đó là điều không thỏa đáng. Vì vậy, bác đơn xin ly hôn của họ là hợp lẽ, và góp phần giúp đương sự tìm lại được tiếng nói chung, suy nghĩ lại hành động của mình. Tuy nhiên hiện nay, có nhận định cho rằng, nhiều đương sựkhi đã quyết định ly hôn tức là họ đã không còn muốn duy trì đời sống gia đình nữa (nhất là trong giới trí thức), nhưng họ lại bị Tòa án bác đơn ly hôn với nhận định rằng nguyên nhân chưa chính đáng. Điều này gây ra những hệ lụy như để được ly hôn, đương sự phải làm ra những hành vi thô lỗ để làm bằng chứng xin Tòa án cho ly hôn nhằm đạt được mục đích của mình. Câu hỏi đặt ra là liệu Tòa án giải quyết như vậy có chính xác và hợp tình hợp lẽ không, khi ly hôn thực chất là quyền của đương sự muốn được giải thoát mọi ràng buộc của quan hệ hôn nhân, và trong trường hợp nào thì Tòa án cần phải linh động xét xử.

Ngoại tình có phải là căn cứ để Tòa án bác đơn ly hôn không?

Theo quy định Điều 89 của Luật Hôn nhân gia đình 2000 (đã được thay thế bằng Luật hôn nhân gia đình 2014) thì Căn cứ cho ly hôn là:

1. Toà án xem xét yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được thì Toà án quyết định cho ly hôn.

2. Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Toà án tuyên bố mất tích xin ly hôn thì Toà án giải quyết cho ly hôn.

Có thể thấy, căn cứ này khá chung chung và không có khả năng áp dụng cụ thể. Tức là nếu tình trạng hôn nhân trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được thì xử cho ly hôn. Nhưng ngay cả việc xác định như thế nào là tình trạng trầm trọng cũng rất khó. Do vậy, đôi khi việc Tòa án bác đơn xin ly hôn của đương sự chủ yếu do cảm tính và dựa vào sự trình bày của đương sự tại tòa. Nếu thẩm phán thấy mâu thuẫn của đương sự chưa thực sự như những gì họ khai, thì thường bác đơn xin ly hôn. Mặt khác, trên thực tế, nếu một trong hai bên có quan hệ ngoại tình (nhất là người chồng) thì khả năng tòa án bác đơn là rất cao.

Ví dụ một bản án mẫu của Tòa án nhân dân Quận 7 về vấn đề bác đơn xin ly hôn:

"Xét mâu thuẫn vợ chồng giữa ông Huy và bà Liên xuất phát từ chỗ bản thân ông Huy cờ bạc gây ra cảnh nợ nần và có quan hệ với người phụ nữ khác, nhưng mâu thuẫn giữa ông Huy và bà Liên chủ yếu xuất phát từ nguyên nhân kinh tế gia đình khó khăn vì ông vướng vào cờ bạc. Nghĩ vợ chồng bà Liên ông Huy còn trẻ, về mặt tinh thần cần hỗ trợ lẫn nhau để vui sống và chăm sóc, dạy dỗ con chung. Hơn nữa, bà Liên ông Huy trước đây đã trải qua thời gian dài tìm hiểu, thử thách để chung sống hạnh phúc đến nay. Từ khi ông đi về nhà cha mẹ ruột ở bà cũng dẫn con theo về bên nhà cha mẹ ruột ông Huy ở. Chứng tỏ bà còn thiết tha xây dựng cuộc sống gia đình với ông Huy. Mâu thuẫn xảy ra chỉ do sự khó khăn về kinh tế mà chủ yếu là do ông Huy cờ bạc. Ông Huy đưa ra lý do không còn tình cảm với bà Liên là không thuyết phục. Năm 2012 ông về nhà cha mẹ ruột ở thật ra là đi lánh nợ chứ không phải ly thân. Quá trình hòa giải tại tòa, bà Liên trình bày nguyện vọng muốn vợ chồng đoàn tụ, nương tựa lẫn nhau để cùng chăm sóc con chung vì vợ chồng đã phải trải qua nhiều khó khăn, thử thách để xây dựng hạnh phúc gia đình với nhau. Ngoài mâu thuẫn xảy ra vì lý do kinh tế khó khăn ông Huy và bà Liên không chứng minh được mâu thuẫn nào khác giữa vợ chồng."

Người viết có thể nhận định chủ quan rằng, việc Tòa án nhân dân quận 7 bác đơn của ông Huy ở trên một phần do ông có quan hệ với người phụ nữ khác. Tòa án đã ngầm bảo vệ cho người phụ nữ (bên bị thiệt hại) trong vấn đề này. Ngoài ra, những lý do khác chưa thuyết phục như kinh tế khó khăn, cãi cọ qua lại chưa phải là nguyên nhân mâu thuẫn khiến Tòa án phải chấp nhận đơn xin ly hôn của đương sự.

Bác đơn xin ly hôn là cần thiết?

Có thể thấy, trong trường hợp trên, việc ông Huy có quan hệ tình ái với người phụ nữ khác là việc làm sai trái. Có những tranh cãi quanh vấn đề này. Có rất nhiều vụ ly hôn mà trong đó các nguyên đơn quyết tâm bỏ vợ, bỏ chồng chỉ vì người thứ ba này. Vấn đề là Tòa án chỉ có thể bác đơn ly hôn của họ, mà không thể hàn gắn mối quan hệ vợ chồng. Nếu họ thật sự quyết tâm ly hôn, thì vấn đề chỉ còn là sớm muộn mà thôi. Bởi Tòa chỉ có thể bác đơn xin ly hôn một lần mà thôi nhưng nếu sau đó họ vẫn khăng khăng đệ đơn lên Tòa yêu cầu ly hôn một lần nữa, thì không có cách nào khác phải cho họ ly hôn.

Thiết nghĩ, Luật hôn nhân gia đình cần phải có những chế tài cụ thể và rõ ràng hơn cho vấn đề này để ngăn chặn hôn nhân đổ vỡ vì mối quan hệ thứ ba đang ngày càng phổ biến như hiện nay. Luật hôn nhân gia đình 2014 đã có những quy định mới hết sức văn minh và hiện đại, ví dụ như cấm cản trở ly hôn (điểm e, khoản 2, Điều 5 Luật hôn nhân gia đình 2014), tuy nhiên vấn đề ngoại tình thì vẫn còn bỏ ngỏ, gây ra rất nhiều hệ lụy cho gia đình.

Cần phải chấp nhận yêu cầu của đương sự?

Nhưng cũng có quan điểm cho rằng, nếu kết hôn là quyền của đương sự (miễn sao không vi phạm điều kiện kết hôn quy định tại Điều 8 Luật hôn nhân gia đình 2014) thì ly hôn cũng là quyền của đương sự. Không ai được cản trở quyền đó, vì nếu phải tiếp tục chung sống với một mối quan hệ không mong muốn thì đó cũng là một hạn chế của luật pháp. Thực tế có những trường hợp, đương sự dù muốn ly hôn nhưng không thể được do bị làm khó từ phía đối phương. Như vậy càng khiến tình trạng hôn nhân thêm mệt mỏi và trầm trọng. Thế nhưng khi yêu cầu ly hôn thì Tòa án lại không đồng ý.

Quan điểm của người viết đối với vấn đề này như sau: Bộ luật hình sự đã có chế tài cho vấn đề vi phạm nghĩa vụ một vợ một chồng (Điều 147 Bộ luật hình sự), nhưng việc xử lý hình sự hết sức khó khăn do đa phần là quan hệ lén lút, trong khi yếu tố cấu thành tội phạm của Bộ luật hình sự lại rất cụ thể (phải có quan hệ chung sống), điều đó rất khó chứng minh. Nếu đương sự có yêu cầu, Tòa án chỉ có thể xử ly hôn chứ ít khi nào nâng lên thành một vụ án hình sự, dù có những trường hợp người thứ ba ngang nhiên đến nhà quậy phá, đập phá đồ đạc và đuổi chính người vợ ra khỏi nhà (như một cuộc điện thoại mà người viết đã nhận được từ một người phụ nữ ở Quận 9).

Kết luận

Do vậy, điều đầu tiên người trong cuộc cần làm là duy trì một mối quan hệ gia đình thắm thiết, gắn bó với nhau, biết thông cảm, san sẻ, yêu thương nhau và giúp đỡ nhau cùng xây dựng gia đình, đó là phương pháp bảo vệ gia đình khỏi những tác động của bên ngoài. Không có gia đình nào là hoàn hảo, tuy nhiên nếu biết quan tâm và tôn trọng nhau, cũng như đề cao giá trị của gia đình, thì mỗi người sẽ biết tiết chế và tìm tiếng nói chung để xây dựng hôn nhân tốt đẹp.


Bài viết xem thêm