Phân chia tài sản chung vợ chồng trong trường hợp vợ chồng không thỏa thuận được cách thức phân chia

Luật Hôn nhân và Gia đình đã xác định: “lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập”. Đây là một quan điểm tiến bộ và giàu tính nhân văn trong cách nhìn nhận về lao động trong gia đình; nó là cơ sở cho việc công nhận sự đóng góp của người không trực tiếp tạo ra tài sản, nhưng vẫn được nhìn nhận sự đóng góp phần của họ trong khối tài sản chung đó. Do đó, người ở nhà nội trợ, sinh đẻ, chăm sóc con chung của vợ chồng.v.v… vẫn phải xác định họ có đóng góp vào khối tài sản chung của gia đình.

Khoản 2 Điều 95 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 đã đưa ra bốn nguyên tắc khi phân chia tài sản chung vợ chồng:

  • Một là, Tài sản chung của vợ chồng về nguyên tắc được chia đôi, nhưng có xem xét hoàn cảnh của mỗi bên, tình trạng tài sản, công sức đóng góp của mỗi bên vào việc tạo lập, duy trì, phát triển tài sản này.
  • Hai là, Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên hoặc đã thành niên bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình;
  • Ba là, Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề  nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;
  • Bốn là, Tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật hoặc theo giá trị; bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần giá trị chênh lệch.

Bốn nguyên tắc này phải được xem xét trong mối quan hệ biện chứng không thể tách rời nhau. Khi phân chia tài sản chung vợ chồng phải soi chiếu vào bốn nguyên tắc đó và vận dụng tương ứng với các tình tiết có trong vụ án, thì việc phân chia tài sản chung mới không bị phiến diện, lệch lạc.

Trong bốn nguyên tắc trên, nguyên tắc đầu tiên có ý nghĩa hết sức quan trọng, thể hiện phương pháp, cách thức xác định phần quyền sở hữu của mỗi bên, đó là “tài sản chung của vợ chồng về nguyên tắc được chia đôi”, nhưng đồng thời phải xem xét đến các yếu tố:

  • Hoàn cảnh của mỗi bên, tình trạng tài sản chung;
  • Công sức đóng góp của mỗi bên vào việc tạo lập, duy trì phát triển tài sản.

Cần phải nhận thức luật quy định tài sản chung vợ chồng về nguyên tắc là chia đôi, chứ không phải tài sản chung của vợ chồng là đương nhiên chia đôi như có Thẩm phán đã nhầm lẫn khi xét xử.

Do đó, khi phân chia tài sản chung vợ chồng không được nhấn mạnh, tuyệt đối hóa một khía cạnh nào, trong các vấn đề được nêu ở trên. Nếu quá nhấn mạnh đến: “về nguyên tắc chia đôi”, nhấn mạnh hoàn cảnh của một bên mà xem nhẹ công sức đóng góp của mỗi bên hoặc xem nhẹ các yếu tố khác, chỉ quan tâm đến các quy định tại nguyên tắc đầu tiên, không xem xét đối chiếu với các nguyên tắc khác khi phân chia đều dẫn đến cách nhìn nhận, đánh giá phiến diện, từ đó việc phân chia tài sản sẽ không thấu tình, đạt lý, không bảo đảm sự công bằng.

Trong quá trình áp dụng Điều 95 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 để phân chia tài sản trong trường hợp vợ chồng ly hôn, nhìn chung các Toà án đã áp dụng tương đối tốt quy định này. Tuy nhiên, qua thực tiễn cho thấy còn có những bản án đã áp dụng chưa tốt quy định “Tài sản chung của vợ chồng về nguyên tắc được chia đôi, nhưng có xem xét hoàn cảnh của mỗi bên, tình trạng tài sản, công sức đóng góp của mỗi bên vào việc tạo lập, duy trì, phát triển tài sản này. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập”.


Bài viết xem thêm