Chia tài sản chung khi ly hôn do các bên thỏa thuận

Nguyên tắc tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận được quy định tại Điều 4 Bộ luật dân sự năm 2005 là một nguyên tắc hết sức quan trọng, nó thể hiện sự tôn trọng quyền tự do, quyền tự quyết, tôn trọng ý chí của công dân, của các chủ thể trong quan hệ dân sự. Vì vậy, trong quan hệ tài sản của vợ chồng, Luật Hôn nhân và Gia đình cũng thể hiện rất rõ sự tôn trọng quyền tự quyết của vợ chồng đối với tài sản chung khi sống chung cũng như khi ly hôn.

Tại khoản 1 Điều 95 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 đã quy định: “việc chia tài sản khi ly hôn do các bên thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết”. Như vậy, chỉ khi hai vợ chồng không tự thỏa thuận được cách thức phân chia tài sản và có yêu cầu thì Tòa án mới giải quyết. Nhà nước không chủ động can thiệp vào việc phân chia tài sản của vợ chồng. Vợ chồng có thể tự thỏa thuận phân chia tài sản, không yêu cầu sự tham gia của Tòa án. Chỉ khi đương sự không thống nhất được cách phân chia, hoặc tuy thống nhất được cách phân chia nhưng muốn sự thỏa thuận này được bảo đảm hiệu lực thi hành cao nhất thì hai bên có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết. Có hai tình huống Tòa án công nhận thỏa thuận phân chia tài sản của vợ chồng: một là, trường hợp vợ chồng đã tự thỏa thuận và yêu cầu Tòa án công nhận sự thỏa thuận đó; Hai là, qua hòa giải của Tòa án trước hoặc tại phiên tòa hai bên đã thỏa thuận việc phân chia tài sản. Tuy nhiên, quyền tự do thỏa thuận, quyền tự do định đoạt của đương sự nói chung, của vợ và chồng không phải là vô giới hạn, mà việc thỏa thuận đó phải bảo đảm nguyên tắc tôn trọng lợi ích Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích của người khác.

 


Bài viết xem thêm