1. Hình thức và nội dung của hợp đồng bảo hiểm
Theo quy định tại Điều 14 Luật kinh doanh bảo hiểm vàĐiều 570 Bộ luật dân sự năm 2005 thì hợp đồng bảo hiểm phải được lập thành văn bản. Giấy yêu cầu bảo hiểm có chữ ký của bên mua bảo hiểm là bộ phận không tách rời của hợp đồng bảo hiểm. Giấy chứng nhận bảo hiểm hoặc đơn bảo hiểm là bằng chứng của việc giao kết hợp đồng bảo hiểm.
Theo quy định tại Điều 13 Luật kinh doanh bảo hiểm thì hợp đồng bảo hiểm phải có những nội dung sau đây:
a) Tên, địa chỉ của doanh nghiệp bảo hiểm, bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm hoặc người thụ hưởng;
b) Đối tượng bảo hiểm;
c) Số tiền bảo hiểm, giá trị tài sản được bảo hiểm đối với bảo hiểm tài sản;
d) Phạm vi bảo hiểm, điều kiện bảo hiểm, điều khoản bảo hiểm;
đ) Điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm;
e) Thời hạn bảo hiểm;
g) Mức phí bảo hiểm, phương thức đóng phí bảo hiểm;
h) Thời hạn, phương thức trả tiền bảo hiểm hoặc bồi thường;
i) Các quy định giải quyết tranh chấp;
k) Ngày, tháng, năm giao kết hợp đồng.
Ngoài những nội dung trên đây, hợp đồng bảo hiểm có thể có các nội dung khác do các bên thoả thuận.
Theo quy định của Luật kinh doanh bảo hiểm thì hợp đồng bảo hiểm chỉ có hiệu lực khi nó được ký kết giữa người bảo hiểm với người người tham gia bảo hiểm và người tham gia bảo hiểm đã nộp phí bảo hiểm (nếu không có thỏa thuận khác. Ví dụ: Thỏa thuận về thời hạn và phương thức nộp phí bảo hiểm).
2. Hợp đồng bảo hiểm vô hiệu
Theo quy định tại Điều 22 Luật kinh doanh bảo hiểm thì hợp đồng bảo hiểm sẽ vô hiệu trong các trường hợp sau:
- Bên mua bảo hiểm không có quyền lợi bảo hiểm.
- Tại thời điểm giao kết hợp đồng, đối tượng bảo hiểm không tồn tại.
- Tại thời điểm giao kết hợp đồng, bên mua bảo hiểm biết sự kiện bảo hiểm đã xảy ra.
- Bên mua hoặc bên bán bảo hiểm có hành vi lừa dối khi giao kết hợp đồng bảo hiểm.
- Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
3. Chấm dứt hợp đồng bảo hiểm và hậu quả pháp lý của việc chấm dứt hợp đồng bảo hiểm
Theo quy định tại Điều 23 Luật kinh doanh bảo hiểm thì ngoài các trường hợp chấm dứt hợp đồng theo quy định của Bộ luật dân sự, hợp đồng bảo hiểm còn chấm dứt trong các trường hợp sau đây:
- Bên mua bảo hiểm không còn quyền lợi có thể được bảo hiểm;
- Bên mua bảo hiểm không đóng đủ phí bảo hiểm hoặc không đóng phí bảo hiểm theo thời hạn thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác;
- Bên mua bảo hiểm không đóng đủ phí bảo hiểm trong thời gian gia hạn đóng phí bảo hiểm theo thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm.
Theo quy định tại Điều 24 Luật kinh doanh bảo hiểm thì:
- Trong trường hợp chấm dứt hợp đồng bảo hiểm theo quy định tại khoản 1 Điều 23 của Luật kinh doanh bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải hoàn lại phí bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm tương ứng với thời gian còn lại của hợp đồng bảo hiểm mà bên mua bảo hiểm đã đóng phí bảo hiểm, sau khi đã trừ các chi phí hợp lý có liên quan đến hợp đồng bảo hiểm.
- Trong trường hợp chấm dứt hợp đồng bảo hiểm theo quy định tại khoản 2 Điều 23 của Luật kinh doanh bảo hiểm, bên mua bảo hiểm vẫn phải đóng đủ phí bảo hiểm đến thời điểm chấm dứt hợp đồng bảo hiểm. Quy định này không áp dụng đối với hợp đồng bảo hiểm con người.
- Trong trường hợp chấm dứt hợp đồng bảo hiểm theo quy định tại khoản 3 Điều 23 của Luật kinh doanh bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm vẫn phải chịu trách nhiệm bồi thường cho người được bảo hiểm khi sự kiện bảo hiểm xảy ra trong thời gian gia hạn đóng phí; bên mua bảo hiểm vẫn phải đóng phí bảo hiểm cho đến hết thời gian gia hạn theo thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm. Quy định này không áp dụng đối với hợp đồng bảo hiểm con người.
- Hậu quả pháp lý của việc chấm dứt hợp đồng bảo hiểm trong các trường hợp khác được thực hiện theo quy định của Bộ luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
4. Về thời hiệu khởi kiện liên quan đến hợp đồng bảo hiểm
Theo quy định tại Điều 30 Luật kinh doanh bảo hiểm thì thời hiệu khởi kiện về hợp đồng bảo hiểm là ba năm, kể từ thời điểm phát sinh tranh chấp.
Thời hiệu khởi kiện liên quan đến hợp đồng bảo hiểm hàng hải là hai năm, kể từ ngày phát sinh tranh chấp (Điều 257 Bộ luật hàng hải).