Giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất do có sự lấn chiếm

Khi giải quyết các tranh chấp đòi lại quyền sử dụng đất mà một bên lấn chiếm (không thuộc trường hợp áp dụng thời hiệu theo quy định ở Điều 247 Bộ luật dân sự năm 2005 và không thuộc trường hợp bị điều chỉnh theo Luật đất đai) thì Tòa án cần phải thu thập đầy đủ các tài liệu như sổ sách địa chính, sổ đăng ký ruộng đất, sổ mục kê… bản đồ, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.v.v… Các tài liệu thể hiện về hiện trạng của thửa đất trước khi có việc mua bán chuyển nhượng, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, các tài liệu thể hiện mốc giới, tứ cận của thửa đất sau khi đã chuyển nhượng.

Nếu thửa đất được chuyển nhượng cho nhiều người thì phải xem xét kỹ hợp đồng chuyển nhượng của từng người có liên quan đến phần đất tranh chấp, ai là người chuyển nhượng trước, mốc giới và thực tế sử dụng, thời gian sử dụng; diện tích, mốc giới thể hiện trên các tài liệu khi các bên kê khai.v.v… để có căn cứ xác định quyền sử dụng đất hợp pháp của mỗi bên theo các giấy tờ chứng cứ.

Sau đó, Tòa án yêu cầu các cơ quan chuyên môn đo đạc, xác định diện tích thực tế mỗi bên đang sử dụng. Nếu số liệu trong các tài liệu mâu thuẫn nhau, cần giải thích cho đương sự phải yêu cầu giám định hoặc giám định lại như: đo đạc lại diện tích thực tế hai bên đang sử dụng, giám định các chữ số nghi ngờ có sự tẩy xóa, sửa chữa v.v…, từ đó mới có cơ sở để xác định các bên có lấn chiếm đất của nhau hay không? Chỉ khi nào xác định được các số liệu chính xác làm cơ sở xác định ranh giới đất thì mới có khả năng giải quyết đúng việc tranh chấp.

Xử lý phần đất lấn chiếm đã xây nhà kiên cố: trên thực tế có trường hợp xác định có lấn chiếm đất, nhưng bên lấn chiếm đã xây dựng nhà kiên cố nếu đập bỏ thì sẽ gây ra đổ sụp căn nhà, hoặc 2 bên xây dựng liền sát tường vào nhau.v.v…nhưng Tòa án vẫn tuyên buộc tháo dỡ dẫn đến không thi hành án được. Vì vậy, khi gặp các trường hợp trên Tòa án cần cân nhắc kỹ khi buộc bên lấn chiếm trả phần đất đã lấn chiếm khi có khả năng thi hành trên thực tế mà không gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của các bên (trừ trường hợp khi xây dựng phần đất lấn chiếm các bên đã có tranh chấp, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đã quyết định cấm xây dựng, nhưng bên lấn chiếm vẫn cố tình xây dựng). Trong trường hợp xét thấy không thể buộc bên lấn chiếm trả lại phần đất và không gian đã lấn thì buộc họ phải thanh toán cho bên kia giá trị quyền sử dụng đất theo giá thị trường hoặc bồi thường thiệt hại phần đất hoặc không gian mà chủ đất không được sử dụng.


Bài viết xem thêm