Tài sản chung vợ chồng là quyền sử dụng đất

Tại đoạn 2 khoản 1 Điều 27 đã quy định quyền sử dụng đất mà vợ chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng. Tuy nhiên, trong thực tế có trường hợp khi cơ quan làm thủ tục cấp giấy chứng nhận, lại ghi trong giấy chứng nhận là cấp cho hộ gia đình. Do đó, khi giải quyết tranh chấp, cần làm rõ có phải đất đó được cấp cho hộ gia đình hay không. Nếu đất đó chỉ là của vợ chồng, thì cần làm rõ có phải vợ chồng đồng ý coi là tài sản chung của cả hộ gia đình hay không (có thể qua thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để biết, hoặc vợ chồng đều biết trong giấy ghi cấp cho hộ gia đình, nhưng cả chục năm sau kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không ai có ý kiến gì; có trường hợp vợ chồng đã giao cho con quản lý sử dụng, người con đã kê khai trong sổ địa chính một phần diện tích trong giấy chứng nhận đó. Trong khi bố mẹ có kê khai diện tích đất khác, nhưng không kê khai diện tích đất này.v.v…). Do đó, cần thu thập các tài liệu, chứng cứ để đánh giá ý thức chủ quan của vợ chồng, từ đó xác định quyền sử dụng đất đó của cả hộ hay chỉ của hai vợ chồng.

“Trong trường hợp tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu thì trong giấy chứng nhận quyền sở hữu phải ghi tên của cả vợ chồng”.

Thực tiễn cho thấy, chỉ có tài sản rất lớn, rất quan trọng đối với đời sống gia đình thì trong giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng mới ghi tên của cả hai vợ chồng (như: nhà ở, quyền sử dụng đất…). Song cũng không phải trong mọi trường hợp đều ghi tên cả 2 vợ chồng. Đối với các tài sản khác phải đăng ký quyền sở hữu, nhưng trong giấy chứng nhận thường chỉ ghi tên của vợ hoặc chồng (như: xe mô tô, xe ôtô, tàu, thuyền vận tải...). Mặt khác, khoản 1 Điều 32 đã quy định cụ thể về tài sản riêng của vợ chồng. Để bảo vệ quyền lợi chính đáng của các bên, trong trường hợp tài sản do vợ chồng có được trong thời kỳ hôn nhân mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, nhưng trong giấy chứng nhận quyền sở hữu chỉ ghi tên của vợ hoặc chồng, nếu không có tranh chấp thì đó là tài sản chung của vợ chồng; nếu có tranh chấp là tài sản riêng, thì người có tên trong giấy chứng nhận quyền sở hữu và đang yêu cầu công nhận là tài sản riêng, thì phải chứng minh được tài sản này do được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân hoặc tài sản này có từ nguồn tài sản riêng quy định tại khoản 1 Điều 32 (ví dụ: được thừa kế riêng một khoản tiền và dùng khoản tiền này mua cho bản thân một chiếc xe môtô, mà không nhập vào khối tài sản chung của vợ chồng). Trong trường hợp không chứng minh được tài sản đang có tranh chấp này, là tài sản riêng thì theo quy định tại khoản 3 Điều 27, tài sản đó là tài sản chung của vợ chồng.

Mặc dù, theo quy định tại Điều 80 Bộ luật tố tụng dân sự thì có “những tình tiết, sự kiện không phải chứng minh”, đó là:

- Những tình tiết, sự kiện rõ ràng mà mọi người đều biết và được Toà án thừa nhận;

- Những tình tiết, sự kiện đã được xác định trong các bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật hoặc quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã có hiệu lực pháp luật;

- Những tình tiết, sự kiện đã được ghi trong văn bản và được công chứng, chứng thực hợp pháp.

- Một bên đương sự thừa nhận hoặc không phản đối những tình tiết, sự kiện mà bên đương sự kia đưa ra thì bên đương sự đó không phải chứng minh.

- Đương sự có người đại diện tham gia tố tụng thì sự thừa nhận của người đại diện được coi là sự thừa nhận của đương sự.

Nhưng trong trường hợp người vợ hoặc người chồng đứng tên trong giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản hoặc quyền sử dụng đất đối với tài sản được hình thành trong thời kỳ hôn nhân, mà người đứng tên trong giấy tờ về tài sản đó, nếu không được người vợ hoặc người chồng công nhận là tài sản riêng của họ, thì bên đứng tên trong giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng phải thực hiện nghĩa vụ chứng minh, là vì Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định dưới hình thức khẳng định tại Điều 27 là tài sản hình thành trong thời kỳ hôn nhân là tài sản chung vợ chồng. Đây là một quy định có ý nghĩa thực tiễn rất cao, vừa có ý nghĩa coi trọng và củng cố quan hệ hôn nhân, vừa ngăn chặn động cơ không trong sáng của một bên, bảo đảm được sự công bằng, bênh vực bên yếu thế. Từ thực tế cho thấy người yếu thế đó thường là phụ nữ, nhất là phụ nữ nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Khi một bên khai là tài sản riêng, một bên khai là tài sản chung, song trên thực tế vợ chồng đã quản lý sử dụng tài sản này, nếu bên khai là tài sản riêng lại không đưa ra được chứng cứ chứng minh là tài sản riêng, thì phải coi đây là tài sản chung vợ chồng.


Bài viết xem thêm