Tài sản chung vợ chồng hình thành từ việc nhập tài sản riêng của một bên vợ hoặc chồng vào tài sản chung

Đối với tài sản riêng của một bên vợ hoặc chồng (do có trước khi kết hôn, được thừa kế riêng, được tặng cho riêng.v.v…) nhưng bên có tài sản riêng đã tự nguyện nhập vào khối tài sản chung, hoặc cả vợ chồng có thỏa thuận việc nhập tài sản riêng vào khối tài sản chung, thì được coi là tài sản chung của vợ chồng.

Trong thực tế khi giải quyết tranh chấp, cần phải chú ý thu thập chứng cứ chứng minh là bên có tài sản riêng đã tự nguyện nhập vào khối tài sản chung hoặc có thỏa thuận nhập vào khối tài sản chung hay chưa? Thu thập các tài liệu, chứng cứ để đánh giá đúng ý thức chủ quan của đương sự.

Việc nhập tài sản là nhà ở, quyền sử dụng đất và các tài sản khác có giá trị lớn thuộc sở hữu riêng của một bên vợ hoặc chồng vào tài sản chung của vợ chồng theo quy định tại khoản 2 Điều 32 của Luật Hôn nhân và gia đình phải được lập thành văn bản, có chữ ký của cả vợ và chồng. Văn bản đó có thể được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật.

Việc nhập tài sản riêng của một bên vào khối tài sản chung của vợ chồng nhằm trốn tránh thực hiện các nghĩa vụ riêng của bên đó về tài sản thì vô hiệu.

Tuy nhiên, trong thực tiễn không phải lúc nào việc nhập tài sản riêng vào tài sản chung cũng đều lập thành văn bản, có chữ ký của cả hai bên, do đó, nếu sau khi kết hôn, bên có tài sản riêng đã làm thủ tục chuyển thành sở hữu chung (như có văn bản thỏa thuận nhập tài sản riêng vào tài sản chung, bên có tài sản riêng khi kê khai cấp giấy chứng nhận đã ghi tên cả hai vợ chồng; một bên hay cả hai bên bán tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân và mua tài sản mới đứng tên vợ chồng, thì cũng coi tài sản mới mua là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp hai bên có thoả thuận khác.

Đối với trường hợp khi bán tài sản riêng, bên kia cũng góp tài sản riêng của mình để cùng mua một tài sản mới, hoặc đưa một phần tài sản chung vào để mua tài sản mới (phải có chứng cứ thể hiện rõ trong hồ sơ), dù chỉ một bên đứng tên, nếu không có thỏa thuận nào khác và không có chứng cứ gì để khẳng định là mỗi bên vẫn giữ theo tỷ lệ riêng khi góp vào mua tài sản mới…), và vợ chồng cùng sử dụng, dù khi ly hôn một bên khai là tài sản chung, một bên khai là tài sản riêng, thì Toà án vẫn công nhận là tài sản chung với ý nghĩa là họ đã nhập vào khối tài sản chung (trừ trường hợp hai bên có thoả thuận khác, có chứng cứ khác). Khi giải quyết, nếu các bên xuất trình được tài liệu, chứng cứ để chứng minh và có thể xác định được một cách tương đối, về tỷ lệ mỗi bên đóng góp để mua tài sản mới và có cơ sở để xác định tài sản mới là tài sản chung, thì căn cứ vào tỷ lệ đó để xác định công sức đóng góp của mỗi bên cho phù hợp.


Bài viết xem thêm