LÊ VĂN LUẬT - ThS. TAND huyện Hướng Hóa, Quảng Trị.
Định tội danh là một vấn đề rất quan trọng trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, là tiền đề cho việc phân hóa trách nhiệm hình sự và cá thể hoá hình phạt một cách công minh, chính xác, đồng thời làm cơ sở cho việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn, xác định thẩm quyền điều tra, truy tố, xét xử của các cơ quan tiến hành tố tụng… góp phần đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm, bảo vệ pháp luật, bảo vệ pháp chế XHCN, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mọi công dân. Việc định tội danh sai sẽ dẫn đến hậu quả rất lớn, đặc biệt là không đảm bảo được tính có căn cứ của hình phạt được tuyên, xét xử không đúng người đúng tội, không đúng pháp luật. Đây cũng là một nguyên nhân của tình trạng oan, sai đang tồn tại.
Thực tiễn xét xử các vụ án hình sự cho thấy, các cơ quan tiến hành tố tụng còn gặp phải nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc định tội danh, đặc biệt đối với những vụ án mà hành vi phạm tội của bị can, bị cáo không thể hiện các yếu tố cấu thành tội phạm một cách đặc trưng, rõ ràng như: tội cướp tài sản thì có yếu tố dùng vũ lực hoặc đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc… nhằm chiếm đoạt tài sản; tội cướp giật tài sản thì có yếu tố giật lấy, giằng lấy…; tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì có yếu tố dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoat tài sản; tội trộm cắp tài sản thì có yếu tố lén lút chiếm đoạt tài sản… mà hành vi của người phạm tội lại có nhiều yếu tố khác nhau của các tội phạm khác nhau, như vừa có yếu tố gian dối nhưng lại có thêm yếu tố nhanh chóng, công khai hoặc vừa có tính công nhiên nhưng lại có thêm yếu tố nhanh chóng tẩu thoát… Đối với những vụ án thuộc những trường hợp này, đòi hỏi những người tiến hành tố tụng phải có trình độ lý luận cơ bản và vững chắc, trên cơ sở đánh giá, phân tích, tổng hợp từng yếu tố của vụ án, áp dụng các văn bản pháp luật liên quan một cách chính xác thì mới định tội danh đúng.
Sau đây chúng tôi xin nêu ra một vụ án cụ thể và một số quan điểm khác nhau xung quanh việc định tội danh, qua đó chúng tôi sẽ nêu ra một số đặc điểm đặc trưng của một số tội phạm cụ thể để làm cơ sở phân biệt giữa các tội phạm khác nhau khi định tội danh đối với một số tội xâm phạm sở hữu.
Vụ án như sau: Hoàng Văn H sinh năm 1984, trú tại huyện L, tỉnh Q. Do muốn có tiền tiêu xài nên H đã nảy sinh ý định chiếm đoạt tài sản của người khác. H để ý thấy cô giáo K hay đi dạy về đường M, nên ngày 4/8/2003 H giả danh làm một sinh viên, ăn mặc lịch sự đón xe của cô K để quá giang. Cô K thấy H là người đàng hoàng nên tin và cho H quá giang. Khi đi qua đường vắng H giả vờ đánh rơi chiếc mũ và dừng xe lại nhờ cô giáo K xuống nhặt hộ. Khi cô giáo K xuống xe đi đến chỗ chiếc mũ thì H phóng xe máy của cô K tẩu thoát, cô giáo K thấy vậy liền hô “cướp, cướp…”, H điều khiển xe chạy được một đoạn thì bị những người nông dân làm việc gần đó đón đường vây bắt lại.
Xung quanh nội dung vụ án nêu trên có ba loại ý kiến về định tội danh như sau:
- Ý kiến thứ nhất cho rằng H phạm tội “Cướp giật tài sản” quy định tại Điều 136 BLHS;
- Ý kiến thứ hai cho rằng H phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” quy định tại Điều 139 BLHS;
- Ý kiến thứ ba thì cho rằng H phạm tội “Công nhiên chiếm đoạt tài sản” quy định tại Điều 137 BLHS.
Theo chúng tôi thì xét xử Hoàng Văn H về tội “Cướp giật tài sản” là có căn cứ. Chúng tôi sẽ phân tích vấn đề này như sau:
Khoản 1 Điều 136 BLHS quy định “Người nào cướp giật tài sản của người khác, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm”.
Thông thường tội cướp giật tài sản thường biểu hiện qua các hành vi khách quan như giật lấy, giằng lấy tài sản đang trong sự quản lý của người khác rồi nhanh chóng tẩu thoát. Ví dụ: hành vi giật đồng hồ, giật giây chuyền vàng, giật túi xách, giật điện thoại di động,… nếu trong các trường hợp đó mà có sự cự lại của chủ quản lý tài sản thì còn có thêm sự giằng lấy rồi nhanh chóng tẩu thoát. Và các hành vi này thể hiện rất rõ tội “Cướp giật tài sản”.
Nhưng trong thực tiễn xét xử về tội cướp giật tài sản thì hành vi khách quan của tội phạm này thể hiện rất đa dạng và phức tạp. Để mong muốn chiếm đoạt được tài sản của người khác người phạm tội có sự chuẩn bị phạm tội cũng như thực hiện một loạt các thủ đoạn xảo quyệt khác để đạt được mục đích đó như tìm cách tiếp cận người quản lý tài sản, tiếp cận tài sản, tạo ra sự sơ hở đối với người quản lý tài sản để dễ chiếm đoạt tài sản đó… Ví dụ 1: Nguyễn Văn A muốn chiếm đoạt tài sản của B nên A giả vờ làm quen với B trên đường đi. Khi đến chỗ đường vắng, lợi dụng lúc B đang mải mê nói chuyện thì A ra tay giật lấy túi xách để phía sau yên xe của B rồi chạy thoát. Ví dụ 2: Nguyễn Văn T vào hiệu vàng của bà E, T già vờ mua một sợi dây chuyền vàng, sau khi bà E đưa sợi dây chuyền cho T xem, lợi dụng lúc bà E không để ý T bỏ sợi dây chuyền vào túi và nhanh chóng lên xe máy chạy thoát.
Theo chúng tôi, tội cướp giật thể hiện dưới hai hình thức chính là: hành vi chiếm đoạt công khai và hành vi nhanh chóng tẩu thoát.
Trong vụ án Hoàng Văn H, H đã có hành vi chiếm đoạt chiếc xe máy của cô K một cách công khai rồi nhanh chóng tẩu thoát. Hành vi của H đã có dấu hiệu phạm tội “Cướp giật tài sản” quy định tại Điều 136 BLHS.
Chúng tôi hoàn toàn không đồng ý với ý kiến cho rằng hành vi của H phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 139 BLHS thì “ Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ năm trăm ngàn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng… thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”. Cũng giống như các tội xâm phạm sở hữu có tính chất chiếm đoạt khác, hành vi chiếm đoạt tài sản là dấu hiệu không thể thiếu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đó là hành vi cố ý dịch chuyển một cách trái pháp luật tài sản của người khác thành tài sản của mình hoặc cho người khác mà mình quan tâm. Trong tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người phạm tội đã dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác. Cụ thể là người phạm tội đã đưa ra những thông tin không đúng sự thật làm cho chủ sở hữu tài sản hoặc người quản lý tài sản do nhầm tưởng mà tự nguyện chuyển giao quyền sở hữu về tài sản hoặc chuyển giao quyền quản lý tài sản cho người phạm tội. Như vậy, thủ đoạn gian dối trong tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản bao gồm hai dấu hiệu là: (1) Người phạm tội đã có hành vi gian dối như bằng lời nói, hành động hoặc những thủ đoạn khác nhằm cung cấp những thông tin sai lệch về sự việc (nói dối, trái sự thật, nói không thành có, nói ít thành nhiều, tẩy xoá con số để được nhiều hơn ); (2) Chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản đã nhầm tưởng, tin vào các thông tin không đúng sự thật đó nên đã tự nguyện chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền quản lý tài sản cho người phạm tội. Thỏa mãn hai yếu tố này mới cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Mặc dù trước khi thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản (chiếc xe máy) của cô giáo K, H đã có các hành vi gian dối như giả vờ làm sinh viên để xin quá giang, giả vờ đánh rơi chiếc mũ để cô K xuống xe nhặt mũ, nhân cơ hội đó dễ chiếm đoạt chiếc xe máy, nhưng đây chỉ là những thủ đoạn mà H dùng để dễ tiếp cận tài sản và tạo ra sự thuận lợi để dễ thực hiện hành vi chiếm đoạt, nhưng khi thực hiện hành vi chiếm đoạt chiếc xe máy của cô K thì H hoàn toàn công khai, sau đó nhanh chóng tẩu thoát. Đây là yếu tố hết sức quan trọng để định tội “Cướp giật tài sản” đối với H mà không phải định tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” đối với H. Mặt khác, tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định cụ thể là “người nào dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tải sản của người khác…”, có nghĩa là người phạm tội chỉ chiếm đoạt được tài sản khi dùng thủ đoạn gian dối và chỉ dùng thủ đoạn gian dối mới chiếm đoạt được tài sản. Và đặc biệt trong tội lừa đảo, sau khi người phạm tội chiếm đoạt được tài sản một khoảng thời gian nhất định người quản lý tài sản mới phát hiện được là mình bị lừa đảo, người bị lừa đảo tự mình chuyển giao quyền quản lý tài sản hoặc chuyển giao quyền sở hữu về tài sản cho người thực hiện hành vi lừa đảo sau khi bị người phạm tội thực hiện hành vi gian dối (lừa đảo). Nhưng ở tội cướp giật tài sản thì tại ngay trong thời điểm người phạm tội thực hiện việc chiếm đoạt tài sản, chủ quản lý tài sản đã nhận biết được việc chiếm đoạt đó còn người phạm tội thì công khai chiếm đoạt và nhanh chóng tẩu thoát. Hơn nữa, trong tội cướp giật tài sản người có tài sản không có hành vi chuyển giao quyền sở hữu hoặc chuyển giao quyền quản lý tài sản cho người phạm tội ngoài phạm vi kiểm soát của họ mà người có tài sản chỉ chuyển giao sự quản lý tài sản tạm thời ngay khi có sự kiểm soát của họ. Ví dụ trong tội lừa đảo: Sau khi có hành vi lừa dối của người phạm tội, chủ quản lý tài sản chuyển giao chiếc xe máy cho người phạm tội quản lý, sử dụng trong một thời gian nhất định ngoài sự kiểm soát của họ và lợi dụng cơ hội này người phạm tội thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản luôn. Chẳng hạn, người phạm tội vì có ý định chiếm đoạt tài sản từ trước nên đã có hành vi giả vờ mượn xe để làm phương tiện đi nơi nào đó sau đó thực hiện hành vi chiếm đoạt đó; còn trong vụ án Hoàng Văn H, H chỉ có hành vi lừa dối cô K để dễ tiếp cận chiếc xe máy của cô K và tạo ra sự sơ hở giữa cô K và chiếc xe máy; ở đây, cô K hoàn toàn không chuyển giao quyền sở hữu chiếc xe cho H, cũng không chuyển giao quyền quản lý chiếc xe cho H ngoài sự kiểm soát của cô K mà chỉ giao cho H điều khiển xe tạm thời khi có cô K bên cạnh (dưới sự kiểm soát, quản lý chiếc xe của cô K) và lợi dụng khi điều khiển xe cũng như khi cô K xuống xe nhặt mũ, H chiếm đoạt công khai chiếc xe và nhanh chóng tẩu thoát. Vì vậy, trường hợp này thiếu yếu tố thứ (2) trong mặt khách quan của tội lừa đảo là “Chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản đã nhầm tưởng, tin vào các thông tin không đúng sự thật của mgười phạm tội nên đã tự nguyện chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền quản lý tài sản cho người phạm tội”. Cô K hoàn toàn không tự nguyện chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền quản lý tài sản (chiếc xe máy) cho H.
Chúng tôi xin nêu một vụ án cụ thể về tội cướp giật tài sản mà người phạm tội trước khi thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản đã có hành vi gian dối: X không phải là nhân viên bảo vệ quán cà phê Z, khi Y vào uống cà phê, Y dựng xe ở bên ngoài quán, thấy vậy X giả vờ làm nhân viên bảo vệ trông giữ xe đến đề nghị Y đưa xe để X dắt đi chỗ khác đúng vị trí nơi để xe, sau khi Y đưa chìa khóa xe để X mở khóa càng dắt xe đi chỗ khác thì ngay tức khắc X ngồi lên xe phóng chạy. Vụ án này TAND Quận H đã xử X về tội “Cướp giật tài sản”.
Nếu cho rằng, trước khi thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, người phạm tội đã có hành vi lừa dối chủ tài sản thì cấu thành tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” là chưa thuyết phục. Trong vụ án này, nếu giả thiết sau khi dắt xe đi chỗ khác, X chiếm đoạt luôn chiếc xe mà Y không biết, sau một thời gian nhất định Y mới phát hiện là xe mình bị X chiếm đoạt thì hành vi của X phạm vào tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; còn ở đây, X đã có hành vi công khai chiếm đoạt chiếc xe máy của Y và nhanh chóng tẩu thoát, hành vi này đã đủ yếu tố cấu thành tội “ Cướp giật tài sản”, mặc dù trước khi chiếm đoạt X đã dùng thủ đoạn gian dối, mục đích là để tiếp cận tài sản (chiếc xe của Y).
Chúng tôi cũng không đồng ý với ý kiến cho rằng Hoàng Văn H phạm tội công nhiên chiếm đoạt tài sản vì theo quy định tại khoản 1 Điều 137 BLHS thì “Người nào công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng… thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”.
Mặc dù điều luật không mô tả tội công nhiên chiếm đoạt tài sản là như thế nào, nhưng thực tiễn xét xử cho thấy tội công nhiên chiếm đoạt tài sản là việc người phạm tội công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác trong điều kiện người quản lý tài sản hoặc người chủ sở hữu về tài sản không có điều kiện bảo vệ tài sản của mình hoặc ngăn cản hành vi chiếm đoạt tài sản của người phạm tội.
Hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản gồm có các đặc điểm sau: (1) Hành vi chiếm đoạt tài sản của người phạm tội thực hiện khi chủ quản lý tài sản hoặc chủ sở hữu về tài sản do hoàn cảnh khách quan mà không thể bảo vệ được tài sản của mình hoặc không ngăn cản được hành vi chiếm đoạt tài sản của người phạm tội; (2) Người phạm tội thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản một cách công khai; (3) Sau khi chiếm đoạt được tài sản, người phạm tội có thể có thêm hành vi nhanh chóng tẩu thoát. Mặc dù hành vi này không bắt buộc phải có nhưng có thể xảy ra.
Chúng tôi xin nêu một số ví dụ cụ thể về tội công nhiên chiếm đoạt tài sản như sau: Ví dụ 1: A để hàng hóa bên này một con sông và đang chuyển hàng hóa qua bên kia sông theo từng chuyến. Khi A vừa qua bên kia sông thì B ở bên này sông thực hiện việc chiếm đoạt tài sản của A một cách công khai mà A không thể ngăn cản kịp, sau đó B cũng nhanh chóng chuồn ngay kẻo sợ A kịp vượt qua sông bắt giữ. Ví dụ 2: D đang trèo lên trên cao một cột điện để sửa điện thì G ở dưới chân cột điện thực hiện hành vi chiếm đoạt chiếc xe máy của D một cách công khai, G vừa điều khiển xe của D chạy vừa vẩy tay chào D mà D không thể ngăn cản được, nhưng G cũng nhanh chóng lên xe máy chuồn ngay vì nếu không D sẽ kịp tụt xuống khỏi cột điện và bắt giữ G. Ví dụ 3: R là một thanh niên to khỏe và hay bắt nạt kẻ yếu, R thấy F là một thanh niên gầy yếu và nhút nhát nên ngang nhiên chiếm đoạt chiếc vé số đã trúng thưởng của F trị giá 1.000.000đ, R không dùng vũ lực và cũng không đe dọa dùng vũ lực đối với F nhưng F vẫn không dám chóng đối mà chỉ đứng nhìn R và sau đó đi báo công an. Cả ba ví dụ trên đều phạm vào tội công nhiên chiếm đoạt tài sản, nhưng các hành vi phạm tội biểu hiện đều khác nhau.
Đối chiếu với vụ án của Hoàng Văn H, thì trường hợp của H không thỏa mãn yếu tố thứ (1) là “hành vi chiếm đoạt tài sản của người phạm tội thực hiện khi chủ quản lý tài sản hoặc chủ sở hữu về tài sản do hoàn cảnh khách quan mà không thể bảo vệ được tài sản của mình hoặc không ngăn cản được hành vi chiếm đoạt tài sản của người phạm tội”. Cô K không thể ngăn cản được hành vi chiếm đoạt chiếc xe máy của H là do H tạo ra điều kiện đó chứ không phải do hoàn cảnh khách quan đem lại. Vì vậy, hành vi của H không thỏa mãn cấu thành của tội “ Công nhiên chiếm đoạt tài sản” quy định tại Điều 137 BLHS.
Trên đây là một vụ án cụ thể và các quan điểm định tội danh khác nhau, chúng tôi nêu ra và trên cơ sở đó phân tích một số điểm cơ bản đặc trưng khi định tội danh đối với một số tội xâm phạm sở hữu.
Nguồn: Bài viết được đăng trên trang web của Trường ĐH Luật TP Hồ Chí Minh (www.hcmulaw.edu.vn)
bàn về định tội danh với một số tội xâm phạm sở hữu
Các bài viết khác: Tư Vấn Luật Hình Sự
- Xung đột quan điểm trong việc xác định tội danh
- Định tội trong trường hợp một hành vi thỏa mãn nhiều cấu thành tội phạm
- Bình luận về tội danh qua một vụ án
- Chứng cứ luật sư thu thập thường bị xem nhẹ
- Bị can, bị cáo có quyền yêu cầu giám định?
- Có được cộng dồn thiệt hại trong án hình sự
- Rửa tiền, vì sao khó khởi tố?
- Góp ý sửa đổi Luật Luật sư: Hạn chế miễn thời gian đào tạo nghề
- Luật sư tham gia tố tụng: Không cần cấp giấy
- Phương hướng hoàn thiện các quy định của bộ luật tố tụng hình sự về xét xử sơ thẩm các vụ án hình sự
- Vấn đề định tội trong trường hợp: “Lợi dụng chức vụ quyền hạn” quy định tại điểm d khoản 2 Điều 139 Bộ luật hình sự – Một số vấn đề cần trao đổi.
- Rút yêu cầu khởi tố: Vẫn cần phải hướng dẫn
- Tăng quyền luật sư để nâng chất tranh tụng
- Tranh tụng mới có phiên tòa đúng nghĩa
- Viện kiểm sát cần chuyển thành viện công tố