Một mục tiêu của cải cách tư pháp là lấy tòa án làm trung tâm, lấy tranh tụng tại tòa làm khâu đột phá. Tuy nhiên, tranh tụng ra sao, tranh tụng đến đâu… vẫn còn là điều cần phải bàn.
Ý thức được tầm quan trọng của tòa án, hội thảo mô hình tố tụng hình sự Việt Nam theo yêu cầu cải cách tư pháp do Ủy ban Tư pháp của Quốc hội vừa tổ chức tại Huế đã tập trung bàn thảo khá nhiều về khâu xét xử.
Tranh tụng trong suốt phiên tòa
Đối với phiên tòa sơ thẩm, ThS Nguyễn Văn Tùng (Viện Khoa học xét xử – TAND Tối cao) cho rằng tăng cường tranh tụng là yêu cầu tất yếu của cải cách tư pháp. Nếu chỉ thu hẹp việc tranh tụng trong phần tranh luận thì khó đạt được yêu cầu có phiên tòa tranh tụng đúng nghĩa mà phải tranh tụng trong hầu hết các giai đoạn của phiên xử.
Trong đó, một nguyên tắc quan trọng là HĐXX không tham gia mà chỉ điều khiển cho việc tranh tụng được khách quan. HĐXX không được có những lời lẽ khẳng định hay phủ định, không được nhận xét đúng hay sai về bất cứ vấn đề nào của các bên tham gia tại tòa. Nếu phải giải thích thì HĐXX cũng chỉ giải thích cho người tham gia về quyền và nghĩa vụ tố tụng của họ, tuyệt đối không nói về những quy định của BLHS. Chủ tọa phải là người tạo điều kiện cho những người tham gia trình bày hết ý kiến, không được hạn chế thời gian tranh luận, không có thái độ, lời lẽ thể hiện rằng mình đã có định kiến sẵn.
Đối với phiên tòa phúc thẩm, theo TS Nguyễn Văn Quảng (Phó Viện trưởng VKSND TP Hải Phòng), thủ tục có sự khác biệt với phiên sơ thẩm nhưng tính tranh tụng vẫn có ý nghĩa rất quan trọng, không thể mờ nhạt. Nó cũng phải được thể hiện trong suốt phiên tòa chứ không đơn thuần trong phần tranh luận. Thực tế hiện nay do nhận thức tranh tụng chỉ bắt đầu khi VKS trình bày lời luận tội nên không đảm bảo tranh tụng đúng nghĩa. Vì ngay từ phần thủ tục của phiên phúc thẩm cũng đã nảy sinh các vấn đề tranh tụng như yêu cầu bổ sung tài liệu chứng cứ, triệu tập người làm chứng, người liên quan…
VKS phải đối đáp đầy đủ
Nhiều ý kiến đồng tình rằng khâu đối đáp giữa các bên buộc tội, gỡ tội trong tranh tụng hiện nay còn rất yếu. Một đại diện Ủy ban Tư pháp của Quốc hội quan ngại: “Nếu các phiên tòa cứ tiếp diễn như hiện nay, e rằng cải cách tư pháp trong tòa sẽ không đạt được”.
Theo ThS Nguyễn Văn Tùng, việc đối đáp giữa VKS và luật sư phải thật sự có chất lượng thì mới đạt được mục đích cải cách. Hiện nay phổ biến một tình trạng là khi luật sư yêu cầu kiểm sát viên đối đáp lại những vấn đề mình tranh luận, kiểm sát viên chỉ đứng lên nói: “Tôi bảo lưu quan điểm, xét thấy không cần đối đáp lại…”. Do đó, nếu kiểm sát viên từ chối, chủ tọa phiên tòa phải yêu cầu kiểm sát viên phải đối đáp lại nếu vấn đề đó chưa từng được đề cập.
Một ý kiến khác cho rằng khi xử sơ thẩm, kiểm sát viên phải là người hỏi chính để thẩm tra công khai chứng cứ buộc tội, tiếp đến là luật sư hỏi để thẩm tra hoặc thu thập thêm chứng cứ gỡ tội cho bị cáo, cuối cùng là tòa hỏi về các vấn đề hai chủ thể kia hỏi nhưng bị cáo trả lời chưa rõ hoặc có nghi vấn. Nội dung câu hỏi của tòa cũng chỉ mang tính nêu vấn đề, không hỏi theo kiểu quy xét, buộc tội. Việc bảo vệ cáo trạng của kiểm sát viên chủ yếu qua xét hỏi và tranh luận. Kiểm sát viên vừa có nhiệm vụ bảo vệ cáo trạng, vừa chứng minh hành vi phạm tội của bị cáo, vừa phải kiểm sát việc tuân theo pháp luật.
Còn theo TS Nguyễn Văn Quảng, phần xét hỏi trong phiên phúc thẩm cũng nên theo trình tự như sơ thẩm: VKS hỏi đầu tiên để làm rõ kháng nghị, sau đó đến luật sư hỏi để làm rõ kháng cáo. Tiếp đó người kháng cáo cũng có quyền đưa ra câu hỏi để đề nghị tòa hỏi những người liên quan. Đối với phần tranh luận, tòa điều khiển theo hướng kiểm sát viên, người kháng cáo và luật sư trình bày quan điểm về việc giải quyết kháng nghị, kháng cáo. Ngoài việc kiểm sát viên phải đối đáp lại tất cả vấn đề luật sư và người kháng cáo nêu ra thì cần có thêm quy định là người kháng cáo phải đối đáp lại các ý kiến của những người có liên quan đến kháng cáo.
Đổi mới thủ tục giám đốc thẩm Theo TS Nguyễn Văn Luật (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội), thủ tục giám đốc thẩm cũng cần đổi mới nhiều vấn đề để đáp ứng nhu cầu cải cách tư pháp. Đổi mới này phải theo hướng quy định chặt chẽ hơn về căn cứ kháng nghị và trách nhiệm của người trực tiếp ra kháng nghị. Cụ thể cần phải sửa đổi bổ sung về các dấu hiệu phát hiện bản án đã có hiệu lực pháp luật nhưng có sai lầm nghiêm trọng; các căn cứ kháng nghị; người có quyền kháng nghị; thẩm quyền giám đốc thẩm; thủ tục đặc biệt xem xét lại án giám đốc thẩm có sai lầm nghiêm trọng. Đặc biệt về thành phần tham gia phiên họp giám đốc thẩm, TS Luật đề xuất phải có thêm bị cáo, người liên quan, luật sư (nếu có yêu cầu) để đảm bảo tính tranh tụng. Nghịch lý trong đối đáp Thực tiễn xét xử án hình sự cho thấy đối đáp là một giai đoạn thể hiện cao nhất tính tranh tụng trong một phiên tòa. Tuy nhiên, tôi cho rằng hiện còn có nghịch lý khi có khoảng 80% các phiên xử vụ án đơn giản không có sự đối đáp qua lại giữa kiểm sát viên và luật sư trong phần tranh luận. Nhưng tại những phiên tòa được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm thì việc này lại quá dư thừa do số lượng luật sư nhiều và quá sa đà vào tranh luận. Tôi ví dụ có phiên tòa chỉ có bốn bị cáo nhưng mỗi bị cáo có tới bốn luật sư bảo vệ khiến quá trình tranh luận, đối đáp gay gắt quá mức. Thường những phiên tòa này luật sư đưa ra nhiều câu hỏi tranh luận trùng lắp khiến phiên tòa kéo dài không cần thiết mà chủ tọa thì không hạn chế được thời gian. Do đó bớt được nghịch lý trên vừa có lợi cho những người tiến hành tố tụng lại vừa đảm bảo tính tranh tụng trong tất cả phiên tòa hình sự. Ông LƯƠNG VĂN THÀNH, Viện trưởng VKSND TP Hải Phòng Điều tra mới là trung tâm của cải cách? Tôi lại suy nghĩ rằng trong tố tụng hình sự, chính giai đoạn điều tra mới là quan trọng, là trung tâm của cải cách tư pháp. Bởi lẽ tòa chỉ là cơ quan ra phán quyết cuối cùng và có giá trị cao nhất để quyết định một người có tội hay không có tội. Nhưng ở quá trình điều tra nếu được tiến hành chất lượng, chặt chẽ thì sẽ giúp cho cơ quan truy tố và xét xử nhàn hơn rất nhiều. Ngược lại, điều tra yếu không có chất lượng không chỉ khiến quá trình tố tụng kéo dài mà nhiều khi sự thật khách quan của vụ án có thể không bao giờ được tìm thấy. Một đại diện Cục Điều tra của VKSND Tối cao |
Thanh Tùng
Theo: Tạp chí Pháp luật TP.HCM online