QUY ĐỊNH CHUYỂN NHƯỢNG VỐN, CỔ PHẦN DOANH NGHIỆP TRONG NƯỚC CHO NHÀ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI

QUY ĐỊNH CHUYỂN NHƯỢNG VỐN, CỔ PHẦN DOANH NGHIỆP TRONG NƯỚC CHO NHÀ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI

Trước đây việc chuyển nhượng vốn, cổ phần của công ty trong nước cho nhà đầu tư nước ngoài được thực hiện theo quy định tại Quyết định số 88/2009/QĐ-TTg và Thông tư 131/2010/TT-BTC. Tuy nhiên trên thực tế triển khai đã có nhiều bất cập và chưa thống nhất cách hiểu giữa các cơ quan nhà nước, cho nên có nhiều dự án chuyển nhượng dưới 49% vốn nhưng cơ quan nhà nước vẫn buộc nhà đầu tư nước ngoài phải thực hiện thủ tục đầu tư, với lý do là do nhà đầu tư nước ngoài lần đầu tiên đầu tư vào Việt Nam nên phải thực hiện thủ tục đầu tư theo quy định Nghị định 108/2006/NĐ-CP. Trong trường hợp chỉ thực hiện chuyển nhượng dưới 49% vốn mà phải thực hiện thủ tục đăng ký đầu tư đã tạo nhiều bất cập và khó khăn cho nhà đầu tư nước ngoài, vì việc nắm phần vốn này, xét về bản chất chưa có chi phối hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong nước nhưng lại phải có dự án đầu tư và đăng ký đầu tư là việc không hợp lý. Ngoài ra, các văn bản luật và dưới luật lại chưa có hướng dẫn cụ thể phải thực hiện như thế nào khi chuyển từ Giấy đăng ký kinh doanh do Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư các tỉnh, thành phố cấp sang Giấy chứng nhận đầu tư đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố hoặc Ban quản lý Khu công nghiệp, Khu chế xuất hay Khu kinh tế cấp.

Và những bất cấp nêu trên cùng với quyết tâm cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo hành lang pháp lý thông thoáng cho nhà đầu tư nước ngoài đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, ngày 26/11/2014 Luật đầu tư 2014 đã được ban hành, với nhiều cải cách, trong đó có quy định về việc chuyển nhượng vốn, cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài, đã có quy định về các trường hợp khi chuyển nhượng vốn phải thực hiện thủ tục đầu tư. Tuy nhiên hiện nay, do chưa có nghị định và thông tư hướng dẫn Luật đầu tư 2014 nên các cơ quan nhà nước vẫn còn nhiều cách hiểu khác nhau và để tránh tình trạng lập lại do không có quy định thống nhất, hoặc có quy định nhưng lại không rõ ràng như đã nêu trên và cũng tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài, giảm bớt thời gian thực hiện thủ tục hành chính, thiết nghĩ cơ quan nhà nước cần sớm ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành và quy định rõ ràng, cụ thể để không gây ra nhiều cách hiểu khác nhau và cũng để giúp nhà đầu tư nước ngoài thuận lợi hơn trong hoạt động đầu tư của mình tại Việt Nam.


Bài viết xem thêm