Bộ luật dân sự năm 2005 có 77 điều (từ Điều 318 đến Điều 387 và từ Điều 715 đến Điều 721) quy định về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Trong đó, có 16 điều (từ Điều 342 đến Điều 357) quy định về “Thế chấp tài sản”; 11 điều (từ Điều 361 đến Điều 371) quy định về “Bảo lãnh”; 07 điều quy định về “Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất”). Từ những quy định này cho thấy “Thế chấp tài sản”, “Bảo lãnh” là hai trong số những biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.
Về “Thế chấp tài sản”, tại Điều 342 Bộ luật dân sự 2005 quy định:
“1. Thế chấp tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên thế chấp) dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự đối với bên kia (sau đây gọi là bên nhận thế chấp) và không chuyển giao tài sản đó cho bên nhận thế chấp.
Trong trường hợp thế chấp toàn bộ bất động sản, động sản có vật phụ thì vật phụ của bất động sản, động sản đó cũng thuộc tài sản thế chấp.
Trong trường hợp thế chấp một phần bất động sản, động sản có vật phụ thì vật phụ thuộc tài sản thế chấp, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Tài sản thế chấp cũng có thể là tài sản được hình thành trong tương lai.
2. Tài sản thế chấp do bên thế chấp giữ. Các bên có thể thỏa thuận giao cho người thứ ba giữ tài sản thế chấp.
3. Việc thế chấp quyền sử dụng đất được thực hiện theo quy định tại các điều từ Điều 715 đến Điều 721 của Bộ luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan”.
Còn về “bảo lãnh”, theo quy định tại Điều 361 Bộ luật dân sự năm 2005 thì:
“Bảo lãnh là việc người thứ ba (sau đây gọi là bên bảo lãnh) cam kết với bên có quyền (sau đây gọi là bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (sau đây gọi là bên được bảo lãnh), nếu khi đến thời hạn mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ. Các bên cũng có thể thỏa thuận về việc bên bảo lãnh chỉ phải thực hiện nghĩa vụ khi bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ của mình”.
Bộ luật dân sự năm 2005 không có quy định về “Hợp đồng bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất” mà chỉ có quy định về “Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất” (Điều 715).