DI CHÚC CÓ ĐIỀU KIỆN

DI CHÚC CÓ ĐIỀU KIỆN

Điều 646 Bộ Luật Dân Sự 2005 (BLDS 2005) qui định “Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết”. Vậy mục đích lập di chúc là nhằm dịch chuyển tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho người khác sau khi chết. Và cũng theo điều 667 BLDS “ Di chúc có hiệu lực từ thời điểm mở thừa kế”. Vậy có thể hiểu rằng theo lẽ thường một di chúc hợp pháp có hiệu lưc kể từ thời điểm mở thừa kế. Tuy nhiên, trên thực tế khi tiến hành lập di chúc người để  lại di chúc vì lý do nào đó chưa muốn người được hưởng di chúc hưởng toàn bộ di sản ngay khi mở thừa kế mà muốn người hưởng thừa kế chỉ được hưởng di sản khi đạt được, làm được một số điều kiện mà người lập di chúc đặt ra (làm một số nghĩa vụ nhất định, đạt được những điều kiện nhất định). Khi đó di chúc trở thành di chúc có điều kiện. Tới đây, ta nhận thấy có điểm tương đồng giữa di chúc có điều kiện và qui định về tặng cho có điều kiện theo qui định tại Điều 470 BLDS “ Bên tặng cho có thể yêu cầu bên được tặng cho thực hiện một hoặc nhiều nghĩa vụ dân sự trước hoặc sau khi tặng cho, điều kiện tặng cho không được trái pháp luật, đạo đức xã hội”. Chủ thể ở hai chế định này đều mong muốn chuyển dịch tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho chủ thể khác và người được hưởng tài sản đó cần đáp ứng điều kiện của người tặng cho, để thừa kế tài sản. Qui định của pháp luật về tặng cho có điều kiện thì đã quá rõ ràng thông qua nội dung ở điều 470 BLDS nhưng qui định về di chúc có điều kiện thì không thể hiện rõ vậy liệu rằng pháp luật thừa kế nước ta có chấp nhận di chúc có điều kiện? Theo đó, tuy không qui định ở một điều cụ thể nhưng với nội dung ở điểm c khoản 1 điều 653 BLDS “Di chúc phải ghi rõ :… họ, tên, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản hoặc xác định rõ các điều kiện để cá nhân, cơ quan tổ chức hưởng di sản”. Với qui định như vậy thì chúng ta có thể suy luận các nhà lập pháp “ ngầm” chấp nhận di chúc có điều kiện.
Vấn đề đặt ra với qui định pháp luật ít ỏi như thế thì di chúc có điều kiện có được chấp nhận không, nếu di chúc có điều kiện được chấp nhận thì làm sao xác định hiệu lực di chúc? Vấn đề thực hiện điều kiện di chúc như thế nào? Nếu điều kiện di chúc bị vi phạm thì phải xử lý ra sao?  Đây không chỉ là vấn đề nội dung pháp luật mà quan trọng ảnh hưởng tới thực tiễn xét xử.

1. Hiệu lực di chúc có điều kiện.
Như đã phân tích, dù pháp luật hiện nay chưa có điều khoản cụ thể nào qui định rõ di chúc có điều kiện, nhưng với qui định tại điều 653 BLDS thì có thể hiểu là qui định ngầm, sự thừa nhận ngầm di chúc có hiệu lực trong hệ thống pháp luật thừa kế ở Việt Nam. Do đó, di chúc có điều kiện vẫn được chấp nhận. Vấn đề đặt ra hiệu lực của di chúc này được xác định như thế nào, hiệu lực có giống như hiệu lực của di chúc thông thường hay có sự khác biệt?
Dù không có qui định nhưng hiểu rằng bước đầu tiên để xác định hiệu lực di chúc vẫn là thời điểm người để lại di chúc chết, hoặc bị Tòa án tuyên bố chết, nhưng do đây là di chúc có điều kiện nên hiệu lực của di chúc còn phụ thuộc điều kiện đặt ra trong di chúc. Cụ thể, nếu di chúc qui định điều kiện hưởng di sản là khi người thụ hưởng đạt độ tuổi nhất định thì khi nào người đó đủ độ tuổi qui định trong di chúc thì mới được hưởng phần di sản theo di chúc, nếu di chúc qui định người hưởng di sản phải thực hiện nghĩa vụ nào đó thì chỉ khi người đó thực hiện nghĩa vụ được ghi. Ví dụ, trong di chúc bà A ghi rõ chuyển tài sản cho con gái là B, khi B đủ 18 tuổi được hưởng ngôi nhà tọa lạc tại địa chỉ xyz, 20 tuổi hưởng ngôi nhà ở địa chỉ abc, 30 tuổi hưởng số tiền trong tài khoản ở ngân hàng C. Như vậy, khi B đủ 18 tuổi thì di chúc có một phần hiệu lực đối với tài sản là ngôi nhà ở địa chỉ xyz và di chúc có hiệu tương ứng với B đạt từng độ tuổi.
2. Thưc hiện điều kiện trong di chúc.
Một di chúc có điều kiện thì người hưởng di sản chỉ được hưởng phần di sản khi thực hiện điều kiện ghi trong di chúc. Do không có qui định cụ thể về di chúc có điều kiện nên hiện nay về phương diện pháp lý và thực tế  điều kiện di chúc chỉ được chấp nhận và bắt buộc người hưởng di sản thực hiện khi và chỉ khi điều kiện đó không vi phạm qui định pháp luật và đạo đức xã hội. Vì vậy, nếu di chúc qui định người hưởng di sản khi đạt đến những điều kiện nhất định (ví dụ: độ tuổi, bằng cấp…) thì khi họ đạt đến điều kiện này thì phần di chúc đó có hiệu lực; nếu di chúc qui định người hưởng di sản phải thực hiện nghĩa vụ dân sự trước hoặc sau thời điểm mở thừa kế thì khi người hưởng di sản thực hiện nghĩa vụ dân sự thì mới xem như di chúc có hiệu lực dù trên thực tế có thể đã chuyển quyền sở hữu di sản từ người chết cho người thừa kế.
Ví dụ: Ông A viết di chúc để lại tài sản là căn nhà cho con là ông B, nhưng nội dung di chúc ghi rõ sau khi ông A mất thì tài sản là ngôi nhà để lại cho ông B nhưng ông B phải có nghĩa vụ nuôi bé C 10 tuổi (là con riêng ông A) đến khi bé C đủ 18 tuổi. Khi đó điều kiện để ông B hưởng di sản từ ông A là phải nuôi dưỡng bé C đến 18 tuổi, sau khi ông A chết, ông B đi khai nhận di sản.Khi này hiểu rằng ông B có nghĩa vụ nuôi bé C – điều kiện để hưởng di chúc; bé C chưa đủ 18 tuổi nghĩa là ông chưa thực hiện xong nghĩa vụ nhưng di sản đã thuộc quyền sở hữu của ông.
3. Khi điều kiện di chúc bị vi phạm thì xử lý như thế nào.
Di chúc có điều kiện, ở đây điều kiện là điều kiện để cá nhân, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản”, vậy khi điều kiện không được thực hiện hoặc thực hiện không đúng thì hướng giải quyết như thế nào, phần di sản sẽ được định đoạt ra sao? Hiện nay pháp luật không có bất kỳ điều khoản nào qui định về vấn đề này nên trên thực tế khi xảy ra tranh chấp thì không có căn cứ giải quyết, dẫn đến việc phán quyết theo “ cảm tính” chủ quan của Thẩm phán, không thuyết phục được đương sự.
Chế định tặng cho tài sản có điều kiện được Bộ luật Dân sự dự liệu rất rõ các tinh huống xảy ra liên quan đến điều kiện. Cụ thể theo điều 470 BLDS:
“…2. Trong trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ trước tặng cho, nếu bên được tặng cho đã hoàn thành nghĩa vụ mà bên tặng cho không giao tài sản thì bên tặng cho phải thanh toán nghĩa vụ mà bên được tặng cho đã thực hiện.
3.Trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ  sau khi tặng cho mà bên được tặng cho không thực hiện thì bên tặng cho có quyền đòi lại tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại”.
Nhưng pháp luật lại không qui định gì về di chúc có điều kiện nên khi người thừa kế vi phạm điều kiện, cần xử theo các hướng sau:
-         Nếu điều kiện để hưởng di chúc nhằm bảo vệ một chủ thể thì khi điều kiện đó bị vi phạm thì tài sản tất nhiên không thuộc về người hưởng thừa kế mà phần di sản đó sẽ được chuyển giao quyền sở hữu lại cho người được bảo vệ.
Ví dụ: trong ví dụ trên trong trường hợp ông A để lại di sản, nếu ông B không thực hiện nghĩa vụ  nuôi cháu C thì khi có khởi kiện nên chuyển tài sản này cho cháu C.
-         Nếu điều kiện di chúc không nhằm bảo vệ cho chủ thể nào thì khi điều kiện di chúc bị vi phạm phần di sản đó người thừa kế theo di chúc sẽ không được hưởng mà sẽ chia di sản theo pháp luật.


Bài viết xem thêm