Thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính

Thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính là thời hạn mà cá nhân, cơ quan, tổ chức được quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án hành chính bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc thì cá nhân, cơ quan, tổ chức đó mất quyền khởi kiện.

Thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính được quy định khác nhau đối với từng đối tượng khởi kiện. Khoản 2 Điều 104 của Luật TTHC quy định thời hiệu khởi kiện như sau:

- 01 năm, kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc;

- 30 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh;

- Từ ngày nhận được thông báo kết quả giải quyết khiếu nại của cơ quan lập danh sách cử tri hoặc kết thúc thời hạn giải quyết khiếu nại mà không nhận được thông báo kết quả giải quyết khiếu nại của cơ quan lập danh sách cử tri đến trước ngày bầu cử 05 ngày.

Thời điểm bắt đầu tính thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính kể từ ngày nhận được, biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính cho đến ngày khởi kiện. Để xác định thời điểm bắt đầu tính thời hiệu khởi kiện trong trường hợp nào là “kể từ ngày nhận được”, trường hợp nào là “kể từ ngày biết được” thì cần căn cứ vào đối tượng bị tác động trực tiếp của quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc và phân biệt như sau:

  • Trường hợp cá nhân, cơ quan, tổ chức bị tác động trực tiếp bởi quyết định hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc và họ là đối tượng được nhận quyết định thì thời điểm bắt đầu tính thời hiệu khởi kiện là kể từ ngày họ nhận được quyết định hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc (được cơ quan, người có thẩm quyền ra quyết định hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc giao trực tiếp, được nhận qua nhân viên bưu điện, qua chính quyền địa phương hoặc những người khác theo quy định của pháp luật).

Ví dụ: Ngày 08-7-2011 ông N nhận được Quyết định số 19/QĐ-UBND ngày 10-02-2011 của Uỷ ban nhân dân quận B về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở cho ông với diện tích 150m2 thì thời điểm bắt đầu tính thời hiệu khởi kiện của ông N đối với Quyết định số 19/QĐ-UBND ngày 10-02-2011 của Uỷ ban nhân dân quận B là kể từ ngày ông N nhận được quyết định đó (ngày 08-7-2011);

  • Trường hợp cá nhân, cơ quan, tổ chức không phải là đối tượng bị tác động trực tiếp bởi quyết định hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc và họ không phải là đối tượng được nhận quyết định và thực tế là họ không nhận được quyết định đó thì thời điểm bắt đầu tính thời hiệu khởi kiện là kể từ ngày họ biết được quyết định đó.

Ví dụ: Trong trường hợp ví dụ nêu tại điểm a khoản 1 Điều này, sau khi được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ông N đã tiến hành xây tường bao diện tích đất 150m2 đó. Ông Q là hàng xóm của ông N cho rằng ông N đã xây tường bao lên cả phần diện tích đất của ông Q. Ngày 28-7-2011, ông N đã đưa cho ông Q xem giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho ông N và ông Q thấy rằng một phần diện tích đất mà ông N được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là phần diện tích đất của ông Q. Trong trường hợp này, thời điểm bắt đầu tính thời hiệu khởi kiện của ông Q đối với Quyết định số 19/QĐ-UBND ngày 10-02-2011 của Uỷ ban nhân dân quận B là kể từ ngày ông Q biết được quyết định đó (ngày 28-7-2011);

  • Trường hợp hành vi của cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức khác hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức đó thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật thì thời điểm bắt đầu tính thời hiệu khởi kiện là kể từ ngày hành vi hành chính đó được thực hiện (nếu cá nhân, cơ quan, tổ chức đã chứng kiến việc thực hiện hành vi hành chính đó) hoặc kể từ ngày được thông báo về thời điểm hành vi hành chính đó đã được thực hiện (nếu cá nhân, cơ quan, tổ chức không chứng kiến việc thực hiện hành vi hành chính đó nhưng họ đã được cơ quan có thẩm quyền thông báo về thời điểm hành vi hành chính đó đã được thực hiện) hoặc kể từ ngày biết được hành vi hành chính đó (nếu cá nhân, cơ quan, tổ chức không chứng kiến việc thực hiện hành vi hành chính đó và cũng không được cơ quan có thẩm quyền thông báo về thời điểm hành vi hành chính đó đã được thực hiện, nhưng họ đã biết được hành vi hành chính đó qua các thông tin khác như được người khác kể lại);

Ví dụ 1: Ngày 10-7-2011, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện tổ chức lực lượng, phương tiện cưỡng chế tháo dỡ nhà ở xây dựng trái phép của ông H và ông H đã chứng kiến việc tháo dỡ nhà đó thì thời điểm bắt đầu tính thời hiệu khởi kiện của ông H đối với hành vi tháo dỡ nhà ở xây dựng trái phép đó là kể từ ngày hành vi tháo dỡ nhà ở đó được thực hiện (ngày 10-7-2011).

Ví dụ 2: Trong ví dụ 1 nêu tại điểm c này, ông T có căn nhà ở cạnh nhà của ông H đã bị cưỡng chế tháo dỡ và trong thời gian cưỡng chế tháo dỡ nhà ở của ông H thì ông T đi công tác nước ngoài. Ngày 15-7-2011, ông T mới đi công tác về và thấy tường nhà mình bị rạn nứt và được hàng xóm kể lại là nhà ông H đã bị cưỡng chế tháo dỡ. Nếu ông T khởi kiện hành vi hành chính tháo dỡ nhà ở xây dựng trái phép đã xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của ông thì thời điểm bắt đầu tính thời hiệu khởi kiện của ông T đối với hành vi tháo dỡ nhà ở xây dựng trái phép đó là kể từ ngày ông T được kể lại về việc thực hiện hành vi cưỡng chế tháo dỡ nhà ở của ông H (ngày 15-7-2011).

  • Trường hợp hành vi của cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức khác hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức đó không thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật thì thời điểm bắt đầu tính thời hiệu khởi kiện là kể từ ngày hết thời hạn theo quy định của pháp luật mà cơ quan, tổ chức hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức đó không thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật.

Ví dụ: Ông A là người thành lập doanh nghiệp đã nộp đủ hồ sơ đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật, nhưng hết thời hạn cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh mà ông A vẫn không được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thì thời điểm bắt đầu tính thời hiệu khởi kiện trong trường hợp này là kể từ ngày hết thời hạn cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Ngoài ra, trong trường hợp vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan khác làm cho người khởi kiện không khởi kiện được trong thời hạn quy định thì thời gian có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan khác không tính vào thời hiệu khởi kiện. Đó là khoảng thời gian xảy ra một trong các sự kiện sau đây:

  • Sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan như thiên tai, địch hoạ, nhu cầu chiến đấu, phục vụ chiến đấu hoặc do lỗi của cơ quan nhà nước làm cho chủ thể có quyền khởi kiện không thể khởi kiện trong phạm vi thời hiệu khởi kiện;
  • Chưa có người đại diện trong trường hợp người có quyền khởi kiện chưa thành niên, mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự;
  • Chưa có người đại diện khác thay thế hoặc vì lý do chính đáng khác mà không thể tiếp tục đại diện được trong trường hợp người đại diện của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự chết.

Lưu ý: Đối với các trường hợp bị đình chỉ theo quy định tại các điểm b, d và g khoản 1 Điều 109, điểm b và điểm c khoản 1 Điều 120 của Luật TTHC thì đương sự được quyền khởi kiện lại. Trong trường hợp này thì thời hiệu khởi kiện vẫn được tính kể từ ngày nhận được, biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu kiện, trừ thời gian Tòa án nhận đơn khởi kiện lần trước đến khi đương sự nhận được quyết định đình chỉ giải quyết vụ án.

Các quy định của Bộ luật dân sự về cách xác định thời hạn, thời hiệu cũng được áp dụng trong tố tụng hành chính

Thời điểm bắt đầu tính thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính kể từ ngày nhận được, biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính cho đến ngày khởi kiện. Do vậy, việc xác định ngày khởi kiện hết sức quan trọng, là cơ sở để tính thời hiệu khởi kiện còn hay hết. Điều 15 Nghị quyết 02/2011/NQ-HĐTP ngày 29/7/2011 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn cách xác định ngày khởi kiện như sau:

“1. Trường hợp người khởi kiện trực tiếp nộp đơn tại Toà án theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 106 của Luật Tố tụng hành chính thì ngày khởi kiện là ngày nộp đơn.

2. Trường hợp đương sự gửi đơn đến Toà án qua bưu điện theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 106 của Luật Tố tụng hành chính thì ngày khởi kiện là ngày có dấu bưu điện nơi gửi. Trường hợp không xác định được ngày, tháng, năm theo dấu bưu điện trên phong bì thì thực hiện như sau:

a) Trường hợp ngày Toà án nhận được đơn do bưu điện chuyển đến mà thời hiệu khởi kiện vẫn còn thì ngày khởi kiện là ngày Toà án nhận được đơn do bưu điện chuyển đến;

b) Trường hợp ngày Toà án nhận được đơn do bưu điện chuyển đến mà thời hiệu khởi kiện đã hết thì Toà án phải tiến hành xác minh ngày đương sự gửi đơn tại bưu điện và phân biệt như sau:

Trường hợp xác minh được ngày đương sự gửi đơn tại bưu điện thì ngày khởi kiện là ngày đương sự gửi đơn tại bưu điện;

Trường hợp không xác minh được ngày đương sự gửi đơn tại bưu điện thì ngày khởi kiện là ngày ghi trong đơn khởi kiện.

3. Trường hợp vừa có đơn khiếu nại, vừa có đơn khởi kiện và người khởi kiện lựa chọn cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại giải quyết thì ngày khởi kiện đối với quyết định hành chính mà họ đã khiếu nại là ngày họ gửi đơn khởi kiện đầu tiên. Trường hợp họ chỉ khởi kiện quyết định giải quyết khiếu nại có nội dung mới thì ngày khởi kiện là ngày họ gửi đơn khởi kiện quyết định giải quyết khiếu nại. Việc xác định ngày khởi kiện trong các trường hợp này thực hiện theo hướng dẫn tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.

4. Trường hợp chuyển vụ án cho Toà án khác theo quy định tại khoản 1 Điều 32 và khoản 3 Điều 139 của Luật Tố tụng hành chính và được hướng dẫn tại Điều 6 và Điều 18 của Nghị quyết này thì ngày khởi kiện là ngày gửi đơn khởi kiện đến Toà án đã thụ lý sai thẩm quyền và được xác định theo hướng dẫn tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này”.

Một số thay đổi, bổ sung về quy định thời hiệu khởi kiện theo Luật Tố tụng hành chính năm 2015:

Bổ sung quy định về thời hiệu khởi kiện trong trường hợp đương sự đã khiếu nại theo đúng quy định của pháp luật đến cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, cụ thể như sau:

  • Thời hiệu khởi kiện là 01 năm kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc quyết định giải quyết khiếu nại lần hai;
  • Thời hiệu khởi kiện là 01 năm kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại theo quy định của pháp luật mà cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền không giải quyết và không có văn bản trả lời cho người khiếu nại.

Lý do: khắc phục tình trạng người dân khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại nhưng người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại không giải quyết và không thông báo cho người khiếu nại dẫn đến nhiều trường hợp khi họ khởi kiện ra Tòa án thì thời hiệu khởi kiện đã hết (vì thời hiệu tính từ ngày họ nhận được hoặc biết được quyết định, hành vi hành chính).


Bài viết xem thêm