Kiện hành chính về quyết định cưỡng chế thu hồi đất

Khi giải quyết vụ án hành chính mà đối tượng khởi kiện là quyết định cưỡng chế thu hồi đất; Tòa án phải căn cứ vào quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục, thẩm quyền để đánh giá tính hợp pháp của quyết định hành chính bị khiếu kiện. Về trình tự, thủ tục, thẩm quyền ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi đất, pháp luật quy định như sau:

a) Việc cưỡng chế thu hồi đất theo quy định tại khoản 3 Điều 39 của Luật Đất đai chỉ được thực hiện khi có đủ các điều kiện sau:

- Thực hiện đúng trình tự, thủ tục về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư quy định tại các Điều 29, 30 và 31 của Nghị định số 69/NĐ-CP;

- Quá 30 ngày, kể từ thời điểm phải bàn giao đất quy định tại khoản 4 Điều 31 của Nghị định số 69/NĐ-CP mà người có đất bị thu hồi không bàn giao đất cho Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng;

- Sau khi đại diện của Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng, Ủy ban nhân dân và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã nơi có đất thu hồi đã vận động thuyết phục nhưng người có đất bị thu hồi không chấp hành việc bàn giao đất đã bị thu hồi cho Nhà nước;

- Có quyết định cưỡng chế của Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền theo quy định của pháp luật đã có hiệu lực thi hành;

- Người bị cưỡng chế đã nhận được quyết định cưỡng chế. Trường hợp người bị cưỡng chế từ chối nhận quyết định cưỡng chế thì Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã niêm yết công khai quyết định cưỡng chế tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất thu hồi.

b) Sau 15 ngày, kể từ ngày giao trực tiếp quyết định cưỡng chế hoặc ngày niêm yết công khai quyết định cưỡng chế quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 31 Nghị định số 69/NĐ-CP mà người bị cưỡng chế không bàn giao đất thì Ủy ban nhân dân cấp huyện chỉ đạo, tổ chức lực lượng cưỡng chế thu hồi đất theo quy định của pháp luật.


Bài viết xem thêm