Đăng Ký Bảo Hộ Nhãn Hiệu

I. BẢO HỘ NHÃN HIỆU HÀNG HÓA

1. Nhãn hiệu hàng hóa

Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau.

Nhãn hiệu có các chức năng sau:

  • Chức năng “phân biệt”: Nhãn hiệu giúp khách hàng nhận ra các sản phẩm/dịch vụ của một tổ chức cụ thể, giúp “phân biệt” chúng với các nhóm sản phẩm/dịch vụ giống hoặc tương tự nhau của các chủ thể khác.
  • Chức năng “quảng cáo và tiếp thị” và “hỗ trợ sản phẩm mới”: Nhãn hiệu thể hiện các thông tin cô đọng, ấn tượng mang “thông điệp” các tổ chức muốn truyền tải đến người tiêu dùng. Một khi nhãn hiệu đã được người tiêu dùng biết đến, tin tưởng và sử dụng thì khó mà có thể thay đổi thói quen của người tiêu dùng chuyển qua sử dụng một sản phẩm cùng loại của một đơn vị sản xuất khác. Ngoài ra, khi một nhãn hiệu trở nên uy tín thì còn giúp cho tổ chức đó dễ dàng phát triển và đưa ra thị trường các sản phẩm mới hơn, người tiêu dùng dễ đón nhận hơn.
  • Tạo “động lực” cho các tổ chức: Nhãn hiệu trở nên nổi tiếng nhất là trên phạm vi toàn cầu thì gắn liền với việc đưa danh tiếng và giá trị của doanh nghiệp lên cao và ngược lại. Do đó, việc duy trì, nâng cao chất lượng của sản phẩm nhằm không làm nhãn hiệu mất “chỗ đứng” trong người tiêu dùng là yếu tố quan trọng đối với tổ chức

2. Nhãn hiệu khác với tên thương mại

Có một hiểu lầm phổ biến mà mọi người hay nghĩ rằng Tên thương mại cũng là nhãn hiệu. Tên thương mại là tên đầy đủ của một doanh nghiệp, nó gắn liền với công ty còn nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt các hàng hóa/dịch vụ. Một công ty có thể có nhiều nhãn hiệu, ví dụ như Công ty cổ phần Acecook Việt Nam có các sản phẩm mang nhãn hiệu như Mì hảo hảo, Mì Mikochi, Mì Yummi, Mì Hít Hà…cũng có những công ty lấy một phần tên doanh nghiệp để dùng làm nhãn hiệu điển hình như công ty TNHH nước giải khát Coca-Cola Việt Nam (mà người tiêu dùng hay gọi là công ty Coca-Cola) có các nhãn hiệu như: Coca-Cola, Fanta, sữa trái cây Nutriboost, Schweppes Tonic…

tư vấn đăng ký nhãn hiệu

II. TƯ VẤN ĐĂNG KÝ NHÃN HIỆU HÀNG HÓA

1. Điều kiện đăng ký bảo hộ nhãn hiệu

Nhãn hiệu được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:

  • Là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều mầu sắc;
  • Có khả năng phân biệt hàng hoá, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hoá, dịch vụ của chủ thể khác.

2. Dấu hiệu không được bảo hộ với danh nghĩa nhãn hiệu

  • Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với hình quốc kỳ, quốc huy của các nước.
  • Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với biểu tượng, cờ, huy hiệu, tên viết tắt, tên đầy đủ của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Việt Nam và tổ chức quốc tế, nếu không được cơ quan, tổ chức đó cho phép.
  • Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên thật, biệt hiệu, bút danh, hình ảnh của lãnh tụ, anh hùng dân tộc, danh nhân của Việt Nam, của nước ngoài.
  • Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với dấu chứng nhận, dấu kiểm tra, dấu bảo hành của tổ chức quốc tế mà tổ chức đó có yêu cầu không được sử dụng, trừ trường hợp chính tổ chức này đăng ký các dấu đó làm nhãn hiệu chứng nhận.
  • Dấu hiệu làm hiểu sai lệch, gây nhầm lẫn hoặc có tính chất lừa dối người tiêu dùng về nguồn gốc xuất xứ, tính năng, công dụng, chất lượng, giá trị hoặc các đặc tính khác của hàng hóa, dịch vụ.

3. Một số lưu ý đối với việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu

  • Nguyên tắc nộp đơn đầu tiên: đối với những nhãn hiệu của các chủ thể khác nhau mà trùng hoặc không quá khác biệt với nhau, thì chủ thể nào có đơn hợp lệ nộp sớm nhất và thỏa mãn các điều kiện bảo hộ nhãn hiệu sẽ được cấp văn bằng bảo hộ.
  • Nên đăng ký bảo hộ cho nhãn hiệu hàng hóa tại các quốc gia mà công ty dự định sẽ xuất khẩu hàng hóa/dịch vụ.
  • Nhãn hiệu sẽ bị chấm dứt hiệu lực nếu Nhãn hiệu không được chủ sở hữu hoặc người được chủ sở hữu cho phép sử dụng trong thời hạn năm năm liên tục trước ngày có yêu cầu chấm dứt hiệu lực mà không có lý do chính đáng, trừ trường hợp việc sử dụng được bắt đầu hoặc bắt đầu lại trước ít nhất ba tháng tính đến ngày có yêu cầu chấm dứt hiệu lực.

4. Tư vấn và hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu trong nước và quốc tế

Tư vấn và hỗ trợ thủ tục đăng ký

  • Tư vấn và đánh giá sơ bộ khả năng bảo hộ nhãn hiệu.
  • Tư vấn tra cứu thông tin về đăng ký và sử dụng nhãn hiệu trong nước và quốc tế.
  • Tư vấn soạn và nộp hồ sơ đăng ký bảo hộ trong nước và quốc tế.
  • Hỗ trợ theo dõi đơn và tiến hành các thủ tục pháp lý liên quan trong trường hợp đơn bị sửa đổi, bổ sung, từ chối, phản đối, khiếu nại từ bên thứ ba.
  • Gia hạn văn bằng bảo hộ nhãn hiệu.

Hồ sơ đăng ký bảo hộ về nhãn hiệu hàng hóa

  • Tờ khai (theo mẫu).
  • Mẫu nhãn hiệu.
  • Tài liệu xác nhận quyền nộp đơn hợp pháp, nếu người nộp đơn thụ hưởng quyền nộp đơn của người khác (Chứng nhận thừa kế, chứng nhận hoặc thoả thuận chuyển giao quyền nộp đơn, kể cả đơn đã nộp, hợp đồng giao việc hoặc hợp đồng lao động,...).
  • Giấy uỷ quyền.
  • Bản sao đơn đầu tiên hoặc Giấy chứng nhận trưng bày triển lãm, nếu trong đơn có yêu cầu hưởng quyền ưu tiên theo Điều ước quốc tế.
  • Tài liệu xác nhận về xuất xứ, giải thưởng, huy chương, nếu trên nhãn hiệu có chứa đựng các thông tin đó.
  • Chứng từ nộp phí, lệ phí.

III. LIÊN HỆ LUẬT SƯ

Quý khách hàng cần thêm thông tin chi tiết, vui lòng liên hệ với chúng tôi để được tư vấn các thủ tục nhanh chóng, uy tín và hiệu quả.

Địa chỉ: 12 Mạc Đỉnh Chi, Phường Đa kao, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh


Bài viết xem thêm