Chỉ dẫn địa lý theo Luật sở hữu trí tuệ

1. Khái niệm chỉ dẫn đại lý

Chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể.

Ví dụ:

- Bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Cao Phong” (Hòa Bình) cho sản phẩm cam quả: Cam Cao Phong có vỏ quả màu vàng đậm, tép màu vàng đậm; mùi thơm đặc trưng, mọng nước, vị ngọt đậm

- Bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Quảng Trị” cho sản phẩm hạt tiêu: Hạt tiêu Quảng trị có vị cay và vị thơm đặc trưng.

- Bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Vĩnh Kim” (Tiền Giang) cho sản phẩm quả vú sữa lò rèn: Quả vú sữa lò rèn Vĩnh Kim có dạng hình cầu hoặc hình cầu hơi thuôn. Vỏ quả khi chín trắng ửng hồng, vỏ dày. Hạt quả nhỏ. Chiều cao quả từ 7,3-8cm, chiều rộng quả từ 7,3-8,4cm. Thịt quả có màu trắng đục, mềm, nước dạng sữa, dày thịt, tỷ lệ thịt quả cao, ít hạt. Vú sưa lò rèn Vĩnh Kim có mùi vị rất ngọt, béo, mùi thơm dịu đặc trưng.

- Bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Buôn Ma Thuột” cho sản phẩm cà phê tại Việt Nam và Thái Lan: Sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Buôn Ma Thuột” là cà phê nhân, có màu xanh xám, xanh lục hoặc xám lục nhạt, kích thước hạt cà phê có độ dài từ 10 – 11 mm, độ rộng từ 6 -7 mm và độ dày từ 3 - 4 mm. Khi rang đến độ chín thích hợp, cà phê có hương thơm đặc trưng. Loại cà phê này có vị đắng dịu, nhẹ, không chát và có hàm lượng cà phê in từ 2,0 đến 2,2 %.

- Bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Phú Quốc” cho sản phẩm nước mắm tại Việt Nam và EU: Sản phẩm nước mắm Phú Quốc cón đặc trưng chỉ sản xuất bằng cá cơm, có màu cánh gián đặc trưng, hoàn toàn tự nhiên chứ không bằng cách pha màu, mùi vị thơm ngon.

2. Điều kiện bảo hộ chỉ dẫn địa lý

Chỉ dẫn địa lý được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:

- Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có nguồn gốc địa lý từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc nước tương ứng với chỉ dẫn địa lý;

  • Chỉ dẫn đại lý phải gắn với một khu vực địa phương cụ thể. Khu vực địa lý mang chỉ dẫn địa lý có ranh giới được xác định một cách chính xác bằng từ ngữ và bản đồ. Khu vực địa lý có thể là một đơn vị hành chính quốc gia hoặc khu vực địa lý thuộc nhiều đơn vị hành chính hoặc toàn bộ lãnh thổ quốc gia.
  • Các điều kiện địa lý liên quan đến chỉ dẫn địa lý là những yếu tố tự nhiên, yếu tố về con người quyết định danh tiếng, chất lượng, đặc tính của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý đó.
  • Yếu tố tự nhiên bao gồm yếu tố về khí hậu, thuỷ văn, địa chất, địa hình, hệ sinh thái và các điều kiện tự nhiên khác.
  • Yếu tố về con người bao gồm kỹ năng, kỹ xảo của người sản xuất, quy trình sản xuất truyền thống của địa phương.

- Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có danh tiếng, chất lượng hoặc đặc tính chủ yếu do điều kiện địa lý của khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc nước tương ứng với chỉ dẫn địa lý đó quyết định.

  • Danh tiếng của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý được xác định bằng mức độ tín nhiệm của người tiêu dùng đối với sản phẩm đó thông qua mức độ rộng rãi người tiêu dùng biết đến và chọn lựa sản phẩm đó.
  • Chất lượng, đặc tính của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý được xác định bằng một hoặc một số chỉ tiêu định tính, định lượng hoặc cảm quan về vật lý, hoá học, vi sinh và các chỉ tiêu đó phải có khả năng kiểm tra được bằng phương tiện kỹ thuật hoặc chuyên gia với phương pháp kiểm tra phù hợp.
  • Mối quan hệ giữa danh tiếng, chất lượng sản phẩm với điều kiện địa lý thể hiện ở việc có mối liên hệ phụ thuộc giữa chất lượng đặc thù, danh tiếng của hàng hóa với môi trường địa lý được chỉ rõ trong chỉ dẫn địa lý đó. Hàng hóa, sản phẩm phải có ít nhất có một tính chất đặc thù về chất lượng hoặc có danh tiếng liên quan đến điều kiện địa lý tự nhiên, con người của địa phương đó.

Cần phải phân biệt hai khái niệm “chỉ dẫn địa lý” và “chỉ dẫn nguồn gốc”. Chỉ dẫn nguồn gốc là dấu hiệu chỉ ra tên địa lý của một quốc gia, một khu vực hay một vùng cụ thể nơi sản phẩm được tạo ra mà không cần dựa trên chất lượng hay tính chất đặc thù của sản phẩm. Chỉ dẫn nguồn gốc không phải là sự đảm bảo về chất lượng của sản phẩm mà chỉ là giúp người tiêu dúng biết được sản phẩm đó có xuất xứ từ đâu, ví dụ: made in Vietnam, made in China...

3. Đối tượng không được bảo hộ với danh nghĩa chỉ dẫn địa lý

Các đối tượng sau đây không được bảo hộ với danh nghĩa chỉ dẫn địa lý:

  • Tên gọi, chỉ dẫn đã trở thành tên gọi chung của hàng hoá ở Việt Nam;
  • Chỉ dẫn địa lý của nước ngoài mà tại nước đó chỉ dẫn địa lý không được bảo hộ, đã bị chấm dứt bảo hộ hoặc không còn được sử dụng;
  • Chỉ dẫn địa lý trùng hoặc tương tự với một nhãn hiệu đang được bảo hộ, nếu việc sử dụng chỉ dẫn địa lý đó được thực hiện thì sẽ gây nhầm lẫn về nguồn gốc của sản phẩm;
  • Chỉ dẫn địa lý gây hiểu sai lệch cho người tiêu dùng về nguồn gốc địa lý thực của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý đó.

Bài viết xem thêm