Phân biệt Tranh chấp phát sinh từ quan hệ lao động hay kinh doanh, thương mại

Tranh chấp về kinh doanh, thương mại được quy định tại Điều 29 BLTTDS và hướng dẫn tại Điều 6 Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

Trong thực tế, có trường hợp:

Một người là Giám đốc, đồng thời là thành viên góp vốn của Công ty TNHH bị Ban Giám đốc cách chức, người này khởi kiện Ban Giám đốc Công ty về việc bị đơn phương chấm dứt HĐLĐ.

Có ý kiến cho rằng: Đây là tranh chấp về kinh doanh thương mại, nội dung tranh chấp là tranh chấp giữa thành viên công ty với Công ty, thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 29 BLTTDS. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng vụ việc là TCLĐ quy định tại Điều 31 BLTTDS.

Khoản 5 Điều 6 Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn như sau:

“Về các tranh chấp giữa công ty với các thành viên của công ty, giữa các thành viên của công ty với nhau liên quan đến việc thành lập, hoạt động, giải thể, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, chuyển đổi hình thức tổ chức của công ty quy định tại khoản 3 Điều 29 của BLTTDS cần phân biệt như sau:

a) Các tranh chấp giữa công ty với các thành viên của công ty là các tranh chấp về phần vốn góp của mỗi thành viên đối với công ty (thông thường phần vốn góp đó được tính bằng tiền, nhưng cũng có thể bằng hiện vật hoặc bằng giá trị quyền sở hữu công nghiệp); về mệnh giá cổ phiếu và số cổ phiếu phát hành đối với mỗi công ty cổ phần; về quyền sở hữu một phần tài sản của công ty tương ứng với phần vốn góp vào công ty; về quyền được chia lợi nhuận hoặc về nghĩa vụ chịu lỗ tương ứng với phần vốn góp vào công ty; về yêu cầu công ty đổi các khoản nợ hoặc thanh toán các khoản nợ của công ty, thanh lý tài sản và thanh lý các hợp đồng mà công ty đã ký kết khi giải thể công ty; về các vấn đề khác liên quan đến việc thành lập, hoạt động, giải thể, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, chuyển đổi hình thức tổ chức của công ty.

b) Các tranh chấp giữa các thành viên của công ty với nhau là các tranh chấp giữa các thành viên của công ty về trị giá phần vốn góp vào công ty giữa các thành viên của công ty; về việc chuyển nhượng phần vốn góp vào công ty giữa các thành viên của công ty hoặc về việc chuyển nhượng phần vốn góp vào công ty của thành viên công ty đó cho người khác không phải là thành viên của công ty; về việc chuyển nhượng cổ phiếu không ghi tên và cổ phiếu có ghi tên; về mệnh giá cổ phiếu, số cổ phiếu phát hành và trái phiếu của công ty cổ phần hoặc về quyền sở hữu tài sản tương ứng với số cổ phiếu của thành viên công ty; về quyền được chia lợi nhuận hoặc về nghĩa vụ chịu lỗ, thanh toán nợ của công ty; về việc thanh lý tài sản, phân chia nợ giữa các thành viên của công ty trong trường hợp công ty bị giải thể, về các vấn đề khác giữa các thành viên của công ty liên quan đến việc thành lập, hoạt động, giải thể, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, chuyển đổi hình thức tổ chức của công ty.

c) Khi thực hiện hướng dẫn tại điểm a và điểm b khoản 5 Điều này, nếu giữa công ty với các thành viên của công ty hoặc giữa các thành viên của công ty có tranh chấp với nhau, nhưng tranh chấp đó không liên quan đến việc thành lập, hoạt động, giải thể, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, chuyển đổi hình thức tổ chức của công ty mà chỉ liên quan đến các quan hệ khác như quan hệ lao động, quan hệ dân sự (ví dụ: Tranh chấp về bảo hiểm xã hội, về trợ cấp cho người lao động, về hợp đồng lao động, về hợp đồng vay, mượn tài sản,...) thì tranh chấp đó không phải là tranh chấp về kinh doanh, thương mại quy định tại khoản 3 Điều 29 của BLTTDS. Tùy từng trường hợp cụ thể để xác định đó là tranh chấp về dân sự hay tranh chấp về lao động.

Căn cứ hướng dẫn nêu trên, việc Giám đốc công ty khởi kiện Ban Giám đốc về việc bị đơn phương chấm dứt HĐLĐ không phải là tranh chấp giữa thành viên công ty với công ty.

Để xác định việc khởi kiện nói trên có thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo quy định tại Điều 31 BLTTDS hay không, Tòa án phải căn cứ vào quy định của BLLĐ để xác định giữa các bên có quan hệ HĐLĐ hay không. Nếu giữa các bên có giao kết HĐLĐ, thì vụ việc được coi là TCLĐ thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo quy định của Điều 31 BLTTDS.


Bài viết xem thêm