Khi giao kết HĐLĐ, các bên thỏa thuận một số nội dung trái với quy định tại Điều 29 BLLĐ 1994 hoặc Điều 23 BLLĐ 2012, hoặc trái với các quy định khác của pháp luật; ví dụ: trong thời gian từ 1 đến 2 năm đều làm việc tại doanh nghiệp, NLĐ không được sinh con; nếu vi phạm thì NSDLĐ có quyền cắt 40% tiền lương hàng tháng hoặc đơn phương chấm dứt HĐLĐ; trong thời gian làm việc cho NSDLĐ, NLĐ không được đồng thời giao kết HĐLĐ để làm việc cho đơn vị sử dụng lao động khác. Kết hôn, sinh con là quyền của công dân được pháp luật công nhận và bảo hộ; không phụ thuộc vào việc có tham gia quan hệ HĐLĐ hay không. Do đó, thỏa thuận của các bên hạn chế quyền tự do kết hôn và quyền sinh con của NLĐ bị coi là trái pháp luật.
Khoản 3 Điều 111 BLLĐ 1994, khoản 3 Điều 155 BLLĐ 2012 quy định: “Người sử dụng lao động không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động nữ vì lý do kết hôn, có thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp người sử dụng lao động là cá nhân chết, bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết hoặc người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động”.
Căn cứ quy định nêu trên, khi NLĐ kết hôn, sinh con mà NSDLĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ với NLĐ là trái pháp luật.
Khoản 3 Điều 30 BLLĐ 1994, Điều 21 BLLĐ 2012 quy định: “Người lao động có thể giao kết một hoặc nhiều hợp đồng lao động, với một hoặc nhiều người sử dụng lao động, nhưng phải bảo đảm thực hiện đầy đủ các hợp đồng đã giao kết”. Như vậy, thỏa thuận của các bên hạn chế quyền tham gia quan hệ lao động với NSDLĐ khác cũng bị coi là trái pháp luật.