Quy định về giải quyết hậu quả của việc đơn phương chấm dứt Hợp đồng lao động trái pháp luật

1. Về bồi thường tiền lương trong những ngày NLĐ không được làm việc

Khoản 1 Điều 41 BLLĐ 1994 sửa đổi, bổ sung năm 2002 quy định:

Trong trường hợp người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật thì phải nhận người lao động trở lại làm việc theo hợp đồng đã ký và phải bồi thường một khoản tiền tương ứng với tiền lương và phụ cấp lương (nếu có) trong những ngày người lao động không được làm việc cộng với ít nhất hai tháng tiền lương và phụ cấp lương (nếu có)”.

Căn cứ các quy định nêu trên, thì về nguyên tắc, NSDLĐ phải bồi thường cho NLĐ tiền lương và phụ cấp lương (nếu có), tính từ ngày NLĐ phải nghỉ việc cho đến ngày NSDLĐ bố trí cho NLĐ trở lại làm việc.

Việc xác định thời gian NLĐ nghỉ việc phải dựa trên cơ sở thời hạn của HĐLĐ đã ký.

Nếu tại thời điểm Tòa án xét xử vụ án, mà HĐLĐ đã hết hạn, thì thời gian NLĐ không được làm việc và được bồi thưởng chỉ được tính đến ngày HĐLĐ hết hạn.

Nếu HĐLĐ đã ký là hợp đồng không xác định thời hạn, hoặc tại thời điểm Tòa án xét xử vụ án, HĐLĐ chưa hết hạn, thì tại khoản 3 Điều 121 Luật thi hành án dân sự đã có quy định: “Người sử dụng lao động phải thanh toán cho người lao động khoản tiền lương trong thời gian chưa bố trí được công việc theo bản án, quyết định, kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án cho đến khi người lao động được nhận trở lại làm việc”.

Do đó, trong trường hợp này, Tòa án chỉ buộc NSDLĐ bồi thường đến thời điểm xét xử sơ thẩm.

Lưu ý: Những ngày NLĐ không được làm việc quy định tại khoản 1 Điều 41 nêu trên phải được hiểu là: Do lỗi của NSDLĐ, vì chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật với NLĐ, nên NLĐ phải nghỉ việc. Khi NSDLĐ đã đồng ý nhận NLĐ trở lại làm việc, nhưng NLĐ không trở lại làm việc, thì kể từ thời điểm NLĐ từ chối trở lại làm việc, lỗi thuộc về NLĐ. Trong thực tế, khi xác định những ngày NLĐ không được làm việc, Tòa án không xem xét tình tiết này để quyết định việc bồi thường, là không bảo đảm quyền lợi cho NSDLĐ.

2. Về bồi thường do vi phạm thời hạn báo trước

Khoản 4 Điều 41 BLLĐ 1994 sửa đổi, bổ sung năm 2002 quy định:

“Trong trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, nếu vi phạm quy định về thời hạn báo trước, bên vi phạm phải bồi thường cho bên kia một khoản tiền tương ứng với tiền lương của người lao động trong những ngày không báo trước."

Trong thực tế giải quyết các vụ án mà người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật (không có căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 38 và vi phạm thủ tục báo trước quy định tại khoản 2 Điều 38 BLLĐ), một số Tòa án đã không buộc NSDLĐ bồi thường vi phạm báo trước, vì cho rằng: Nghĩa vụ bồi thường vi phạm thời hạn báo trước chỉ đặt ra khi chấm dứt HĐLĐ có căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 38, nhưng vi phạm thủ tục báo trước.

Đơn phương chấm dứt HĐLĐ chỉ có thể là đúng pháp luật hoặc trái pháp luật.

Đơn phương chấm dứt HĐLĐ đúng pháp luật là trường hợp chấm dứt HĐLĐ có căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 38, không vi phạm thủ tục quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 38 BLLĐ.

Đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật là việc chấm dứt HĐLĐ không có căn cứ, vi phạm thủ tục chấm dứt HĐLĐ mà BLLĐ đã quy định, trong đó có thủ tục báo trước. Nếu đơn phương chấm dứt đúng pháp luật thì bên chấm dứt HĐLĐ không phải bồi thường.

Như vậy, bồi thường do vi phạm thời hạn báo trước chỉ đặt ra khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật.

Tại Công văn số 3650/LĐTBXH-TT ngày 25/9/2013, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã khẳng định: “…trường hợp người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật do vi phạm quy định về thời hạn báo trước thì ngoài nghĩa vụ quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 Điều 42 Bộ luật lao động, người sử dụng lao động phải bồi thường cho người lao động một khoản tiền tương ứng với tiền lương của người lao động trong những ngày không báo trước quy định tại khoản 5 Điều 42 của Bộ luật này”.

Như vậy, việc đơn phương chấm dứt HĐLĐ mặc dù có căn cứ quy định tại khoản 1 của Điều 38, nhưng nếu vi phạm thủ tục báo trước, thì vẫn là đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật và bên đơn phương chấm dứt trái pháp luật phải bồi thường do vi phạm thời hạn báo trước.


Bài viết xem thêm