Thẩm quyền giải quyết Tranh chấp phát sinh từ hợp đồng làm việc giữa viên chức với đơn vị sử dụng viên chức

Theo quy định của BLLĐ và BLTTDS, tranh chấp về lao động thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án bao gồm: Tranh chấp lao động và các tranh chấp khác về lao động. TCLĐ là tranh chấp phát sinh trong quan hệ lao động theo HĐLĐ; còn tranh chấp khác về lao động là tranh chấp phát sinh từ các quan hệ xã hội có liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động.

Tranh chấp lao động

Khoản 7 Điều 3 BLLĐ 2012 quy định: “Tranh chấp lao động là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ và lợi ích phát sinh giữa các bên trong quan hệ lao động”.

“Quan hệ lao động”, theo quy định tại khoản 6 Điều 3 BLLĐ 2012, “là quan hệ xã hội phát sinh trong việc thuê mướn, sử dụng lao động, trả lương giữa người lao động và người sử dụng lao động”.

Như vậy, TCLĐ thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo quy định tại Điều 31 Bộ luật tố tụng dân sự (BLTTDS), trước hết là tranh chấp phát sinh trong quan hệ lao động giữa NLĐ làm theo HĐLĐ (quan hệ thuê mướn, sử dụng lao động).

Các tranh chấp khác về lao động

Các tranh chấp khác về lao động là những tranh chấp phát sinh từ các quan hệ xã hội có liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động mà pháp luật có quy định.

Ví dụ: Các loại việc tranh chấp được quy định trong BLLĐ, như: Tranh chấp về việc làm, học nghề, về BHXH, về đưa NLĐ đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.

Các tranh chấp khác về lao động được quy định trong các văn bản pháp luật khác. Ví dụ: Tranh chấp giữa NLĐ là viên chức, làm việc theo hợp đồng làm việc, với đơn vị sử dụng viên chức.

Điều 30 Luật viên chức năm 2010 quy định: “Tranh chấp liên quan đến việc ký kết, thực hiện hoặc chấm dứt hợp đồng làm việc được giải quyết theo quy định của pháp luật về lao động”.

Khoản 6 Điều 56 của Luật viên chức quy định: “Viên chức bị xử lý kỷ luật, bị tạm đình chỉ công tác hoặc phải bồi thường, hoàn trả theo quyết định của đơn vị sự nghiệp công lập nếu thấy không thỏa đáng thì có quyền khiếu nại, khởi kiện hoặc yêu cầu giải quyết theo trình tự do pháp luật quy định”.

Khoản 3 Điều 31 BLTTDS quy định: Tòa án có thẩm quyền giải quyết “Các tranh chấp khác về lao động mà pháp luật có quy định”.

Căn cứ vào các quy định tại khoản 6 Điều 56 Luật viên chức và khoản 3 Điều 31 của Bộ luật tố tụng dân sự, tranh chấp giữa NLĐ là viên chức với đơn vị sự nghiệp công lập được coi là tranh chấp về lao động thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.


Bài viết xem thêm