Thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn (thiết kế bố trí) theo Luật sở hữu trí tuệ

1. Khái niệm

Mạch tích hợp bán dẫn là sản phẩm dưới dạng thành phẩm hoặc bán thành phẩm, trong đó các phần tử với ít nhất một phần tử tích cực và một số hoặc tất cả các mối liên kết được gắn liền bên trong hoặc bên trên tấm vật liệu bán dẫn nhằm thực hiện chức năng điện tử. Mạch tích hợp đồng nghĩa với IC, chip và mạch vi điện tử. Mạch tích hợp bán dẫn đóng vai trò quan trọng trong các sản phẩm điện tử như diện thoại, máy tính, tivi, tủ lạnh, máy giặt, điều hòa, lò vi sóng…

Thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn (sau đây gọi là thiết kế bố trí) là cấu trúc không gian của các phần tử mạch và mối liên kết các phần tử đó trong mạch tích hợp bán dẫn.

2. Điều kiện bảo hộ đối với thiết kế bố trí

Điều 68 Luật SHTT quy định 02 điều kiện bảo hộ đối với thiết kế bố trí là tính nguyên gốc và tính mới thương mại.

- Tính nguyên gốc:

Thiết kế bố trí được coi là có tính nguyên gốc nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:

  • Là kết quả lao động sáng tạo của chính tác giả;
  • Chưa được những người sáng tạo thiết kế bố trí và những nhà sản xuất mạch tích hợp bán dẫn biết đến một cách rộng rãi tại thời điểm tạo ra thiết kế bố trí đó.

Thiết kế bố trí là sự kết hợp các phần tử, các mối liên kết thông thường chỉ được coi là có tính nguyên gốc nếu toàn bộ sự kết hợp đó có tính nguyên gốc.

- Tính mới thương mại:

  • Thiết kế bố trí được coi là có tính mới thương mại nếu chưa được khai thác thương mại tại bất kỳ nơi nào trên thế giới trước ngày nộp đơn đăng ký.
  • Thiết kế bố trí không bị coi là mất tính mới thương mại nếu đơn đăng ký thiết kế bố trí được nộp trong thời hạn hai năm kể từ ngày thiết kế bố trí đó đã được người có quyền đăng ký quy định tại Điều 86 của Luật SHTT hoặc người được người đó cho phép khai thác nhằm mục đích thương mại lần đầu tiên tại bất kỳ nơi nào trên thế giới.
  • Khai thác thiết kế bố trí nhằm mục đích thương mại là hành vi phân phối công khai nhằm mục đích thương mại đối với mạch tích hợp bán dẫn được sản xuất theo thiết kế bố trí hoặc hàng hoá chứa mạch tích hợp bán dẫn đó.

3. Các đối tượng không được bảo hộ với danh nghĩa thiết kế bố trí

Điều 69 quy định hai loại đối tượng không được bảo hộ với danh nghĩa thiết kế bố trí:

  • Nguyên lý, quy trình, hệ thống, phương pháp được thực hiện bởi mạch tích hợp bán dẫn;
  • Thông tin, phần mềm chứa trong mạch tích hợp bán dẫn.

Bài viết xem thêm