Văn bằng bảo hộ và hiệu lực của văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp

1. Văn bằng bảo hộ

Văn bằng bảo hộ ghi nhận các thông tin về chủ sở hữu, tác giả (đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí), đối tượng, phạm vi và thời hạn bảo hộ. Riêng văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý ghi nhận tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý, các tổ chức, cá nhân có quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý, chỉ dẫn địa lý được bảo hộ, tính chất đặc thù của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý. Văn bằng bảo hộ có hiệu lực từ ngày cấp và được bảo hộ trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Điều này khác với phạm vi bảo hộ quyền tác giả. Quyền tác giả được bảo hộ trên phạm vi các nước tham gia Công ước Bern. Hiện nay chưa có điều ước quốc tế về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp tự động trên tất cả các quốc giả, mà chỉ có các hiệp định về đăng ký quốc tế là Hiệp ước hợp tác bằng sáng chế (PCT) và thỏa ước Madrid về đăng ký nhãn hiệu quốc tế. Hai điều ước này chỉ hỗ trợ về việc thực hiện đăng ký, còn việc được bảo hộ tại quốc gia nào thì phải đăng ký và phải được quốc gia đó cấp văn bằng bảo hộ.

2. Hiệu lực của văn bằng bảo hộ

Hiệu lực của văn bằng bảo hộ của từng loại đối tượng sở hữu công nghiệp là khác nhau, có thể chia thành 3 loại sau:

- Văn bằng có hiệu lực bảo hộ xác định và không được gia hạn:

  • Bằng độc quyền sáng chế có hiệu lực kể từ ngày cấp và kéo dài 20 năm kể từ ngày nộp đơn.
  • Bằng độc quyền giải pháp hữu ích có hiệu lực kể từ ngày cấp và kéo dài 10 năm kể từ ngày nộp đơn.
  • Giấy chứng nhận đăng ký thiết kế mạch tích hợp bán dẫn có hiệu lực từ ngày cấp và chấm dứt vào ngày sớm nhất trong số những ngày sau đây: Kết thúc 10 năm kể từ ngày nộp đơn; Kết thúc 10 năm kể từ ngày thiết kế bố trí được người có quyền đăng ký hoặc người được người đó cho phép khai thác thương mại lần đầu tiên tại bất kỳ nơi nào trên thế giới; Kết thúc 10 năm kể từ ngày tạo ra thiết kế bố trí.

- Văn bằng bảo hộ có hiệu lực xác định nhưng có thể xin gia hạn hiệu lực:

  • Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp có hiệu lực 5 năm kể từ ngày nộp đơn, có thể gia hạn 02 lần liên tiếp mỗi lần 5 năm.
  • Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu có hiệu lực 10 năm, có thể gia hạn liên tiếp nhiều lần, mỗi lần 10 năm.

- Văn bằng bảo hộ vô thời hạn kể từ ngày cấp: Đối với giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý.


Bài viết xem thêm